Đó là hiện tượng nhức nhối trong xã hội ta ngày nay, được thể hiện khá rõ nét ở một số quan tham, người có dính líu đến tiêu cực hoặc người bị dư luận nghi ngờ có những hành vi bất minh.
Họ đều chung một điểm: công khai khẳng định làm đúng pháp luật, không tơ hào tư túi, thậm chí là phải chịu đựng thiệt thòi. Chỉ đến lúc cơ quan chức năng "sờ gáy" mới lòi ra vô số tài liệu nóng bỏng trở thành chứng cứ thuyết phục phản lại những lời "có cánh" của họ.
Như mọi người từng biết, trong nhiều năm qua, có không ít quan chức giải trình về tài sản khủng của mình theo kiểu "có được là do buôn chổi đót". Một số quan chức khác biện minh cho những sai lầm trong ban hành các văn bản, chỉ thị bằng cách đổ lỗi cho "đánh máy". Có người lại luôn miệng nói thực hiện "đúng quy trình" để che đậy cho việc đưa con cháu leo chỗ "ghế trên ngồi tót sỗ sàng".
Tất cả những chuyện ấy đều không thể qua mặt được ai, dù không bị xử lý thì vẫn để lại âm hưởng xấu về tư cách, nếu không muốn nói là rất tệ hại.
Điển hình cho tình trạng nói dối là vụ án "kit Việt Á" xảy ra ngay trong những ngày đại dịch đau thương. Ở vụ này, nói dối diễn ra có hệ thống, vừa tinh vi, vừa thô thiển, tham dự vào đó có lãnh đạo cấp cao, có doanh nhân, có cán bộ tầm tầm bậc trung...
Nói dối là một trong những thuộc chất thâm căn cố đế của tham nhũng. Nhưng nói dối để lừa đảo, cấu kết với nhiều đơn vị, nhiều nhân vật quyền lực, tạo thành mắt xích liên hoàn như vụ "kit Việt Á" thì có thể nói là "độc nhất vô nhị".
Không chỉ tướng tá, ngay cả các nhà khoa học trẻ, tràn trề triển vọng vẫn "nói dối rất chân thành", rằng phải trải qua biết bao gian khổ, nhiều đêm thức trắng, khắc khoải xa gia đình để cố gắng hoàn thành đúng thời hạn nhiệm vụ...
Riêng mấy anh giám đốc CDC các tỉnh như Nghệ An hay Hậu Giang còn trắng trợn quá khi oang oang tuyên bố sự trong sạch của mình trên phương tiện thông tin đại chúng.
Nhìn lại các vụ án xét xử mấy vị sếp sòng bị cáo buộc làm thiệt hại tài sản nhà nước, mọi người cũng thấy luẩn quẩn những lời "nói dối không chớp mắt", đôi lúc rất kệch cỡm. Gây mất mát hàng nghìn tỉ đồng, nhưng không ít vị ra trước tòa cứ vòng vo chối tội, giả vờ ngu ngơ đổ cho cơ chế, đổ cho cấp dưới, có vị còn dõng dạc cho rằng việc làm của mình là nhằm góp phần phát triển địa phương (?!).
Họ đúng là thiếu phục thiện, chết tới nơi mà "cà cuống vẫn cay". Cán bộ như vậy thật đáng buồn, buồn hơn cả là khi chưa bị lộ, họ thường đứng trên bục cao, dùng lời đại ngôn rao giảng về đạo đức, về cống hiến, hy sinh...
Nói dối - ai trong đời chả có một lần. Bịa chuyện cho vui, tán dóc không hại ai thì cứ coi đó là cuộc chơi "vô tiền khoáng hậu". Còn như nói dối để kiếm chác, để trục lợi, để hại dân - hại nước, tất nhiên hậu quả cuối cùng phải nhận lãnh không thể khác là bị trừng phạt và tù tội.
Theo Tuổi trẻ