Tình trạng thuốc giả, kém chất lượng đang lưu hành trôi nổi phổ biến như vậy gây sự bất an cho người tiêu dùng, nhất là những bệnh nhân đang phải điều trị thường xuyên bằng thuốc.
Trong những tháng gần đây, Sở Y tế liên tục có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành, phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh thuốc trong tỉnh thu hồi các sản phẩm thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành. Các loại bị thu hồi khá đa dạng về chủng loại, từ thuốc kháng sinh Zinnat, Lincomycin, 23 loại thuốc chữa bệnh tim mạch có hoạt chất có thể gây ung thư, đến mỹ phẩm như xà phòng thơm, sữa tắm, dung dịch vệ sinh phụ nữ... Trong đó, có cả những loại thuốc được sản xuất tại Hải Dương như Trạch tả và Cát căn do Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương sản xuất. Có thể thấy dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng đang tấn công người tiêu dùng trong nhiều mặt. Người mắc loại bệnh gì hay thậm chí chỉ sử dụng các mỹ phẩm thông thường cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng sức khỏe từ các sản phẩm này.
Tình trạng thuốc giả, kém chất lượng đang lưu hành trôi nổi phổ biến như vậy gây sự bất an cho người tiêu dùng, nhất là những bệnh nhân đang phải điều trị thường xuyên bằng thuốc. Người cần dùng đến thuốc vốn là nhóm đối tượng mang trong mình những đau đớn nhất định về sức khỏe, lại phải cộng thêm sự lo lắng, nghi ngờ về chất lượng thuốc mình đang uống sẽ ảnh hưởng tới tác dụng điều trị bệnh. Chưa kể những người đang uống thuốc giả, thuốc kém chất lượng chắc chắn sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường. Sản xuất, kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng là hành vi táng tận lương tâm, trục lợi trên sức khỏe con người nhưng vẫn thường xuyên diễn ra, thậm chí ngày càng nở rộ do lợi nhuận quá cao.
Trước thực trạng dược phẩm giả, kém chất lượng xuất hiện nhiều như vậy, ngành y tế đưa ra nhiều lời khuyên cho người bệnh về cách phân biệt thuốc thật - giả, cách tránh mua phải thuốc giả như mua thuốc theo đơn, mua ở các nhà thuốc lớn, có uy tín... Nhưng trên thực tế, việc phân biệt thuốc thật, giả rất khó khăn vì với kỹ thuật, công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại, tinh vi như hiện nay thì thuốc giả chẳng khác gì thuốc thật. Để nhận biết chắc chắn một thuốc giả, cần phải kiểm nghiệm tại phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn với đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất... theo quy định của Bộ Y tế. Còn thuốc kém chất lượng thì người dân hoàn toàn không thể nhận biết được. Vì vậy việc đòi hỏi họ làm người tiêu dùng thông thái biết phát hiện và lựa chọn thuốc thật, giả là điều không khả thi.
Ngành y tế và các cơ quan liên quan cần tăng cường "tiền kiểm" dược phẩm trước khi lưu hành trên thị trường chứ không nên để thuốc đã ra tới các nhà thuốc rồi mới thu hồi. Theo thông tư mới nhất của Bộ Y tế ban hành ngày 4.5.2018 thì mới có 4 trường hợp thuốc phải được kiểm nghiệm bởi cơ sở kiểm nghiệm do Bộ Y tế chỉ định trước khi lưu hành. Đó là: vaccine, sinh phẩm là huyết thanh có chứa kháng thể; sinh phẩm là dẫn xuất của máu và huyết tương người; thuốc nhập khẩu theo điều 70 Nghị định 54/2017/NĐ-CP ngày 8.5.2017; thuốc được sản xuất bởi cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài thuộc danh sách cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng do Bộ Y tế công bố. Số lượng các loại thuốc phải tiền kiểm cần được mở rộng hơn nữa để bảo đảm chất lượng thuốc ngay từ đầu, tránh tình trạng chạy theo thuốc đã lưu hành để thu hồi như hiện nay. Và việc thu hồi thuốc giả cũng cần được tăng cường, kiểm soát chặt chẽ với sự tham gia của các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, hải quan. Bảo đảm chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và tạo thêm sự yên tâm, niềm tin của người dân vào thị trường hàng hóa hiện nay.
LAM ANH