Những ngày này, nhiều hộ dân ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) đang tự giác, khẩn trương tháo dỡ cầu, lều quán vi phạm trên kênh Đại Phú Giang và kênh T6.
Tạo đồng thuận
Tuyến kênh Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ có tổng chiều dài 14,2 km đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp. 2 tuyến kênh này nằm cạnh, song song với đường trục Đông - Tây (đường tỉnh 396). 2 tuyến kênh phục vụ tưới tiêu cho trên 2.500 ha đất nông nghiệp và tiêu nước dân sinh cho 11 xã phía nam của huyện Ninh Giang.
Để thuận lợi thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp kênh dẫn Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ, UBND huyện Ninh Giang đã rà soát có 156 cây cầu và 24 lều quán do người dân tự ý xây dựng trái phép ở 6 xã. Toàn bộ số hộ dân này khi được cấp đất đều có lối đi trước hoặc sau nhà, thể hiện trên bản đồ. Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm hành lang kết cấu hạ tầng an toàn giao thông đường bộ và công trình thủy lợi kênh Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ huyện Ninh Giang đã phân công nhiệm vụ cho tổ tuyên truyền, vận động, tổ chuyên môn hỗ trợ xử lý vi phạm đến các chủ thể vi phạm trên địa bàn 6 xã: Hưng Long, Hồng Phúc, Kiến Quốc, Hồng Phong, Hồng Dụ, Đồng Tâm.
Tự nguyện tháo dỡ cầu dân sinh vi phạm được xây dựng từ năm 2000, ông Nguyễn Văn Tuyền ở thôn Cúc Thị, xã Kiến Quốc cho biết: “Khi nắm được chủ trương của tỉnh, huyện về giải tỏa vi phạm nhằm cải tạo, tu sửa tuyến kênh tốt hơn, mặc dù tiếc khi không còn mặt tiền bên đường tỉnh 396 để kinh doanh, buôn bán nhưng tôi sẵn sàng ủng hộ và chủ động giải tỏa vi phạm. Chúng tôi sẽ mở ngay lối đi phía sau nhà để sớm ổn định cuộc sống”.
Qua tìm hiểu của phóng viên, khi triển khai kế hoạch giải tỏa công trình vi phạm, một số người dân (phần lớn ở xã Kiến Quốc) có ý kiến khi tháo dỡ cầu dân sinh, nhiều hộ dân sẽ không có lối đi khác và một số hộ sản xuất, kinh doanh đồ mỹ nghệ gặp khó khăn vào dịp cuối năm.
Cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm tiếp thu ý kiến nêu trên, với chủ trương giải quyết triệt để các cầu dân sinh và lều quán xây dựng trái phép, huyện vận động các hộ dân thực hiện ký cam kết tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm. Với các hộ cam kết tháo dỡ, huyện sẽ hỗ trợ máy móc, các xã hỗ trợ nhân lực. Chính quyền sẽ tiến hành cải tạo đường đi cho các gia đình và hệ thống điện, nước ở những nơi khó khăn. Sau khi cải tạo xong, các gia đình sẽ tiến hành tháo dỡ cầu. Những khu dân cư có nhu cầu làm đường gom phía bờ kênh, huyện sẽ xem xét nếu đủ điều kiện về giao thông, thủy lợi và cảnh quan. Đối với hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ huyện cho phép buôn bán, kinh doanh kéo dài sau Tết Giáp Thìn 2024, sau đó tiến hành tháo dỡ trong tháng 2/2024 dương lịch.
Cách làm đúng, trúng đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Kết quả, từ ngày 1/12 đến 17 giờ ngày 7/12, người dân tự nguyện tháo dỡ 41 cầu, 20 lều quán. Người dân các xã đã cam kết tháo dỡ 126 cây cầu.
Giải quyết triệt để
Ngay khi ra quân tuyên truyền giải tỏa vi phạm, người dân thôn Đô Chàng, xã Hồng Dụ đã giải tỏa được 5/7 cây cầu vi phạm. Hiện nay, xã Hồng Dụ đang phối hợp với người dân san lấp mặt bằng đường gom phía bờ kênh. Tuyến đường dài hơn 120 m đã được giải tỏa cây, di chuyển 1 ngôi mộ, san gạt đất để tạo mặt bằng đổ bê tông tạo thuận lợi cho 20 hộ dân đi lại.
Xã Kiến Quốc có nhiều vi phạm nhất với 93 cây cầu và 13 lều quán vi phạm. UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công các tổ tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân; bố trí hỗ trợ nhân lực cho các hộ dân tháo dỡ vi phạm và mở lối đi phía sau nhà.
Vừa qua, khi kiểm tra thực tế tình hình xử lý vi phạm hành lang kết cấu hạ tầng an toàn giao thông đường tỉnh 396, kênh dẫn Đại Phú Giang và kênh T6 trạm bơm Hiệp Lễ tại huyện Ninh Giang, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương khi tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giải tỏa, tháo dỡ vi phạm.
Đồng chí Phan Nhật Thanh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, công tác giải tỏa công trình vi phạm 2 tuyến kênh trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả bước đầu, trên cơ sở phải tạo cho người dân có điều kiện thiết yếu như điện, nước, đường đi trước khi giải tỏa cầu. Xác định công tác giải tỏa vi phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân tại cơ sở, Ban Chỉ đạo của huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công rõ người, rõ việc, tổ chức tuyên truyền, phản biện rộng rãi... Cả hệ thống chính trị trong huyện đã vào cuộc quyết liệt. Nhiều người dân ở các xã đã nhận thức được hành vi vi phạm, ký cam kết tự giác tháo dỡ, giải tỏa công trình. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo tiếp tục yêu cầu các tổ chuyên môn, tổ tuyên truyền, các xã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, bảo đảm trình tự, nhất là tập trung đo đạc, kiểm đếm hiện trạng công trình vi phạm làm cơ sở pháp lý cho các bước tiếp theo.
THÀNH ĐẠT