Dịp 20.11 hằng năm, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về những thầy cô giáo từng dạy dỗ mình từ những ngày thơ bé tới giờ.
Hồi học lớp 7, tôi cùng nhóm bạn mua một bó hoa tặng cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn văn học. Đến nhà cô chơi, ai cũng thẹn thùng xen lẫn háo hức. Cô tươi cười nhận hoa, rồi mời học trò ăn bánh kẹo. Vừa ngồi trò chuyện, cô vừa dặn: "Được nhận hoa của các em, cô rất vui. Nhưng niềm vui lớn nhất của cô là thấy học trò tiến bộ, trưởng thành mỗi ngày trong học tập, rèn luyện. Các em được nhiều điểm tốt, chăm ngoan chính là phần thưởng lớn nhất của mỗi thầy cô giáo".
Đến thời học THPT, thầy giáo chủ nhiệm dạy văn học cũng làm tôi nhớ mãi với những tiết dạy thú vị, bổ ích. Thầy từng nói: "Mục đích cao quý nhất của nghề dạy học chính là dạy làm người". Những lời dặn dò, khuyên bảo của các thầy cô giáo đã theo tôi suốt những năm tháng học trò tới hôm nay và mãi về sau.
Dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, cả xã hội tri ân công lao của các thầy cô giáo bằng những lời hỏi thăm ân cần, lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm... Tạm quên đi những lo toan, bỏ qua mệt mỏi, thầy cô giáo tươi cười đón nhận những tình cảm tốt đẹp của phụ huynh, học sinh và những người yêu mến nghề giáo.
Sự tri ân của xã hội với nhà giáo tạo nên niềm vui trong nghề nhưng có lẽ niềm vui bền bỉ, niềm vui thầm lặng và cao cả nhất của mỗi thầy cô giáo chính là thấy sự trưởng thành của học trò nhờ công ơn giáo dục của mình. Hằng ngày, các nhà giáo lặng lẽ truyền đạt tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng, đạo đức trong từng bài học, tiết giảng. Biết bao nhiêu tấm gương của người thầy được học trò tôn trọng, noi theo. Được thấy mỗi học trò hứng khởi học tập, hiểu bài, biết áp dụng những điều đã học vào thực tế là động lực để mỗi nhà giáo không ngừng rèn luyện, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thử thách trong nghề. Có những thầy cô giáo vẫn lặng lẽ dõi theo đường đời của nhiều học trò, kịp thời động viên trò những lúc gian khó và chung vui với trò những lúc thành công, hạnh phúc.
Bên cạnh niềm vui cũng còn đó những nỗi buồn của nhà giáo. Không buồn sao được khi ngành giáo dục đang còn nhiều khó khăn, hạn chế, tiêu cực. Thu nhập của nhà giáo hiện nay khá thấp với mặt bằng chung của xã hội, nhất là các giáo viên hợp đồng. Bệnh thành tích, những hiện tượng tiêu cực của ngành giáo dục còn nặng nề. Chương trình giảng dạy có nhiều xáo trộn, tạo áp lực không đáng có. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa thấu hiểu những vất vả của nghề giáo, có tư tưởng phó mặc giáo dục con cái cho nhà trường. Không ít nhà giáo không chịu được áp lực đã bỏ nghề. Nhiều người trụ lại trong nghề cũng phải âm thầm chịu đựng và tìm cách vượt qua những nỗi buồn mà đôi khi không biết ngỏ cùng ai.
Khẩu hiệu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" xuất hiện ở các trường học nhưng nhiều người thường hiểu chưa đầy đủ là chỉ dành cho học trò. Khẩu hiệu ấy còn dành cho các nhà giáo. Nếu mỗi nhà giáo đến trường không vui thì làm sao có thể truyền niềm vui, niềm hạnh phúc trong học tập cho học trò? Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng mỗi thầy cô giáo hạnh phúc sẽ góp phần tạo ra những học trò hạnh phúc. Ngoài niềm vui, hạnh phúc mà mỗi thầy cô giáo tự tạo ra cho chính mình thì phụ huynh, học sinh và xã hội cũng cần mang đến niềm vui cho người thầy bằng những việc làm ý nghĩa. Đó không chỉ là những lời chúc, sự thăm hỏi, những bó hoa tươi thắm mà đôi khi là sự cảm thông với những vất vả trong nghề, cùng có trách nhiệm trong giáo dục học sinh, góp phần giải quyết những hạn chế của ngành giáo dục...
Khi viết những dòng kết của bài này, những ca từ, giai điệu của bài hát "Người thầy" của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy lại vang vọng trong lòng tôi: "Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng/Sáng soi bước em trong cuộc đời/Vẫn nhớ những khi trời mưa rơi/Vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai/Thầy vẫn đi, buồn vui, lặng lẽ".
NINH TUÂN