Lợi nhuận của BacABank quý III giảm hơn 70% cùng kỳ, còn VPBank cũng ghi nhận quý thứ tư liên tiếp lợi nhuận giảm.
Bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng dần lộ diện khi một số ngân hàng bắt đầu công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, áp lực chi phí vốn cao, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng nhanh, cùng sự suy giảm ở một số mảng hoạt động khiến tình hình chung kém khả quan.
Là ngân hàng công bố báo cáo tài chính đầu tiên, Ngân hàng Bắc Á ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III chỉ hơn 77 tỷ đồng, giảm hơn 70% cùng kỳ năm trước. Trừ hoạt động kinh doanh ngoại hối, các mảng khác của Bắc Á đều sụt giảm. Trong đó, "nồi cơm" chính là hoạt động tín dụng ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ hơn 420 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với quý III/2022.
Sự thu hẹp về kết quả nhiều mảng kinh doanh, trong khi chi phí hoạt động chỉ giảm hơn 10% khiến nhà băng này chỉ còn hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, bằng 1/3 so với cùng kỳ.
Đà giảm trong quý III cũng khiến kết quả kinh doanh 9 tháng của Bắc Á chậm lại. Lợi nhuận trước thuế từ đầu năm của nhà băng này ghi nhận hơn 550 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng giai đoạn năm trước.
Điểm tích cực là tốc độ tăng quy mô tổng tài sản và huy động của Bắc Á vẫn giữ ở ngưỡng hai con số. Tới cuối quý III, tổng tài sản của ngân hàng này tăng hơn 12% so với đầu năm, lên 145.000 tỷ đồng. Quy mô tiền gửi của khách hàng tăng hơn 18%, còn dư nợ cho vay khách hàng tăng gần 5%.
Tương tự Bắc Á, lợi nhuận của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận quý giảm thứ tư liên tiếp. Ba tháng gần nhất, nhà băng này có lãi trước thuế hợp nhất chỉ hơn 3.100 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này là mức lợi nhuận cao nhất trong ba quý năm nay, nhờ FE Credit dần lấy lại cân bằng.
Ảnh hưởng lớn nhất trên báo cáo hợp nhất là thu từ hoạt động tín dụng và hoạt động khác. Thu nhập lãi thuần hợp nhất của VPBank ghi nhận hơn 8.800 tỷ đồng, giảm 15%, còn lợi nhuận khác chỉ ghi nhận gần 500 tỷ, so với mức hơn 1.200 tỷ đồng trong quý III năm trước.
So với hai quý đầu năm, điểm tích cực là VPBank không còn chịu ảnh hưởng quá tiêu cực từ công ty tài chính. Hoạt động tín dụng của FE Credit (công ty tài chính do VPBank sở hữu 50% vốn) vẫn bị thu hẹp, nhưng chi phí dự phòng rủi ro đã giảm đáng kể, chỉ còn gần 2.200 tỷ đồng trong quý III, giảm gần 50% so với quý II.
Dù vậy, xét riêng ngân hàng mẹ VPBank, chi phí dự phòng rủi ro có xu hướng tăng trong quý gần nhất. Nhà băng này ghi nhận mức trích dự phòng rủi ro hơn 2.700 tỷ đồng trong quý III, tăng hơn 50%.
Tính tới cuối quý III, quy mô nợ xấu nhóm 3-5 trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng mẹ VPBank là gần 4%. So với quy II, quy mô nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, với gần 2.000 tỷ đồng. Xét trên số liệu hợp nhất, quy mô nợ nhóm 3-5 của ngân hàng ở mức 5,7%.
Trước đó, theo dự báo của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), nhiều nhà băng có thể ghi nhận mức giảm lợi nhuận từ 4-30% trong quý III.
Theo SSI Reseach, VPBank, Techcombank và TPBank là ba ngân hàng có thể ghi nhận mức giảm lợi nhuận mạnh nhất. Trong đó, lợi nhuận quý III của Techcombank có thể giảm 12-15% cùng kỳ, TPBank giảm 25-32%. Với VPBank, ước tính của nhóm phân tích khoảng 3.300 tỷ đồng lãi trước thuế, cao hơn kết quả nhà băng này vừa công bố.
SSI Research cũng dự báo lợi nhuận BIDV có thể giảm 12%, còn VIB giảm khoảng 4%. Ngược lại, nhóm phân tích cho rằng vẫn có những ngân hàng ghi nhận tăng trưởng nhờ nền tảng quản lý nợ xấu tốt và tăng trưởng tín dụng tích cực. Trong đó, lợi nhuận VietinBank quý III có thể tăng trên 20% nhờ chi phí dự phòng giảm so với mức cao đột biến cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận MBB có thể tăng 16-19% nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn, ACB có thể tăng 7-12%, còn Vietcombank có thể tăng 18%.
Theo VnE