Những giấc mộng xuất khẩu lao động dở dang

03/06/2015 06:36

Với mơ ước đổi đời, một bộ phận người dân vùng nông thôn đã tìm cách đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Đã có nhiều người thành công nhưng cũng không ít trái ngang và nước mắt.

Cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi có mặt tại gia đình bà Trịnh Thị Giàng (56 tuổi ở khu 4, thị trấn Cẩm Giàng) và chứng kiến một không khí đau thương bao trùm cả ngôi nhà. Con trai cả của bà, anh Hoàng Văn Hoan (28 tuổi) mới đi Đài Loan được hơn 1 năm thì thiệt mạng sau một tai nạn giao thông ngày 10-5. Ở nhà, ngoài bố mẹ già, anh còn có vợ và 2 con thơ dại nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào số tiền lương anh gửi về hằng tháng.

Bà Giàng nghẹn ngào: “Gia đình vất vả vay tiền lo cho cháu đi lao động. Không may, cháu xấu số nên mất sớm. Bây giờ chúng tôi đã già yếu, không biết vợ con cháu sẽ sinh sống thế nào?". Bà Giàng cho biết thêm hiện nay vợ anh Hoan đã có mặt ở Đài Loan để chuẩn bị đưa thi hài anh về an táng tại quê nhà. Mọi thủ tục, chi phí đều được phía công ty ký hợp đồng và chủ sử dụng lao động phía Đài Loan tạo điều kiện. Dự kiến, trong ngày 1-6, gia đình sẽ đón thi hài và làm lễ mai táng cho người đã khuất.
Chỉ trong tháng 5 năm nay, trên trang mạng xã hội Facebook có tên “Cộng đồng người Việt Nam tại Đài Loan” thông báo đã có 5 trường hợp lao động ở đây mất mạng với nhiều lý do, trong đó có 3 lao động là người Hải Dương. Họ đều là những lao động chính và là sự trông cậy của nhiều người ở quê nhà. Tuy nhiên, những tai nạn bất ngờ đã khiến mong muốn đó phải dở dang, để lại bao lo lắng về món nợ tiền bạc và nỗi đau không gì có thể bù đắp.

Lợi ích về kinh tế mà XKLĐ mang lại là rất lớn. Nhờ chọn được những công việc phù hợp, ổn định nên nhiều người đã giúp gia đình giàu lên trông thấy. Đời sống kinh tế được cải thiện, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng ít ai ngờ rằng, đằng sau đó là nhiều rủi ro rình rập.

Nhiều người vẫn nhớ sự việc của anh Nguyễn Văn Linh ở thôn Lam Sơn (xã Lam Sơn, Thanh Miện) xảy ra vào cuối tháng 10-2014. Theo lời giới thiệu của người quen, anh Linh cùng 2 lao động cùng quê lên TP Hải Dương tìm hiểu thông tin việc làm tại Malaysia. Sau khi tìm hiểu nội dung công việc là xây dựng, ốp lát gạch, các anh tiến hành ký hợp đồng với nhà tuyển dụng. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, gia đình đã phải chạy đôn chạy đáo vay mượn số tiền trên 30 triệu đồng để làm thủ tục và mua sắm đồ dùng. Tuy nhiên, ngay sau khi đến Malaysia, anh và một số người khác đã bị cảnh sát bắt giam vì không mang theo giấy tờ tùy thân, bị kẻ xấu tại nơi làm việc đe dọa cộng với điều kiện làm việc và sinh hoạt không bảo đảm đã khiến các anh suy sụp tinh thần, sức khỏe giảm sút. Tại thời điểm đó, sự việc trở nên rối rắm hơn khi người thân ở quê không biết trông cậy vào ai để giải quyết sự việc. Anh Linh kể lại: “Công việc không như ý, lại ở nơi đất khách quê người nên chúng em rất lo lắng vì không biết số phận mình ra sao. Còn nỗi lo nữa là làm gì để trả hết số tiền vay để làm thủ tục đi XKLĐ. Trong lúc bế tắc, rất may các cơ quan báo chí trong nước kịp thời vào cuộc nên bọn em đã sớm được trở về nhà”. Mặc dù vậy, sau khi thanh lý hợp đồng và được công ty thanh toán tiền, 3 người lao động này vẫn chưa trả hết khoản nợ đã vay trước đây. Hiện nay, anh Linh và 2 người khác cùng làm công nhân trong các nhà máy gần nhà. Với số tiền lương khoảng 4 triệu/tháng, các anh đang phải chắt góp để lo cho cuộc sống và trả nợ dần.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, đã có gia đình phải chịu cảnh tan nát cũng chỉ vì chuyện kẻ ở, người đi. Vào cuối tháng 9-2014, xảy ra vụ án chồng giết vợ tại xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) mà một trong những nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình khi người vợ đi XKLĐ. Hậu quả, người vợ chết, người chồng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, đứa con bé nhỏ đã phải chịu cảnh mất mẹ, mất cha.

Hiện nay, người dân chưa xác định được những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh trong quá trình ký hợp đồng và làm việc. Do đó, các cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục định hướng giúp người lao động về việc làm, thu nhập và tránh những rủi ro có thể xảy ra khi họ tham gia vào các thị trường lao động nước ngoài.

ĐỨC TÂM


Nhiều ngôi nhà hiện đại ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) được xây dựng từ thu nhập của người xuất khẩu lao động

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, cả tỉnh đã có trên 6.500 người đi XKLĐ. Trong số đó, hơn 6.300 người đã ký hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp. Số còn lại đi theo dạng hợp đồng cá nhân hoặc chương trình tu nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý và đánh giá kết quả chất lượng lao động và hiệu quả của việc XKLĐ còn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. 



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những giấc mộng xuất khẩu lao động dở dang