Đồng yen mất giá, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nhiều lao động Hải Dương tại Nhật Bản lao đao, tìm cách xoay xở.
Dở dang vì đồng yen mất giá
Đầu năm 2022, chị Nguyễn Thị Nhung ở xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) quyết định sang Nhật Bản lao động với mong ước sớm cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài toàn bộ vốn liếng mà hai vợ chồng tích góp được, chị vay mượn thêm gần 100 triệu đồng để hoàn thiện thủ tục xuất ngoại. Khoảng 6 tháng sau, chị Nhung được giới thiệu đến làm việc tại một cửa hàng ở tỉnh Shiga. Công việc nhiều lại bất đồng ngôn ngữ khiến cuộc sống của chị tại xứ sở hoa anh đào càng thêm vất vả. Không những vậy, đồng yen Nhật liên tục rớt giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và bao dự định ban đầu của chị Nhung.
Chị Nhung cho biết: "Chi phí sang Nhật Bản lao động vào khoảng 200 triệu đồng. Theo tính toán, tôi chỉ cần làm việc chăm chỉ trong vòng 1 năm sẽ trả hết nợ và hoàn vốn. Tuy nhiên, đồng yen Nhật liên tục mất giá khiến thu nhập chẳng còn là bao. Mỗi ngày đọc báo thấy tin tức về tỷ giá đồng yen giảm mạnh, chúng tôi càng thêm bồn chồn, lo lắng".
Hiện tổng thu nhập của chị Nhung vào khoảng 170.000 yen/tháng, quy đổi ra tiền Việt là hơn 29 triệu đồng, giảm khoảng 20% so với đầu năm 2022. Theo chị Nhung, với các loại thuế, phí, tiền thuê nhà cộng với chi tiêu hằng ngày tại Nhật Bản thì số tiền dành dụm được không còn khác biệt so với công việc cũ ở Việt Nam. Chị đang phải cố gắng tiết kiệm hết mức có thể và đã tạm dừng gửi tiền về cho gia đình.
Hơn chục năm làm công nhân, anh Nguyễn Văn H. ở phường Việt Hoà (TP Hải Dương) vẫn chật vật với cuộc sống hằng ngày. Các con đang tuổi ăn học nên gánh nặng về kinh tế ngày càng lớn. Năm 2021, anh H. bàn với vợ vay mượn tiền để đi Nhật Bản lao động. Sang xứ người vào đúng thời điểm kinh tế khó khăn, việc làm ít dẫn đến thu nhập không cao. Phải hơn 1 năm sau, anh H. mới tiết kiệm đủ tiền gửi về cho gia đình trả nợ.
Năm 2023, vì nóng ruột muốn kiếm tiền nhanh nên anh H. đã tự ý bỏ việc đang làm để ra ngoài làm tự do. Vì là lao động bất hợp pháp nên chỉ trong thời gian ngắn anh H. đã bị cơ quan chức năng Nhật Bản phát hiện và trục xuất về nước. Ước mơ xuất ngoại để đổi đời của anh H. đành gác lại nơi xứ người. Trở về quê hương, anh buồn tủi đi tìm việc làm khi đã hơn 40 tuổi.
"Tiền Nhật mất giá nên mỗi tháng thu nhập của tôi chỉ khoảng 27 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí số tiền gửi về Việt Nam chẳng còn đáng là bao. Có thời điểm tôi không đổi tiền để gửi về cho gia đình vì tiếc công sức làm việc và mong chờ đồng yen sẽ tăng trở lại", anh H. cho biết.
Những năm qua, nền kinh tế của Nhật Bản gặp nhiều biến động khiến cuộc sống của những người Hải Dương lao động ở nước này càng thêm bấp bênh. Nhiều trường hợp đã phải về nước trước thời hạn do áp lực từ công việc và chi phí sinh hoạt. Thậm chí, một số lao động chấp nhận rủi ro bỏ ra ngoài làm việc để có thu nhập cao hơn.
Nhu cầu giảm
Thu nhập thấp khiến nhiều người ở Hải Dương không còn quan tâm nhiều đến thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản. Một số người chấp nhận bỏ cọc hoặc chuyển hồ sơ sang thị trường khác ổn định và tiềm năng hơn. Anh Nguyễn Tuấn Anh ở xã Ứng Hoè (Ninh Giang) cho biết: "Tháng 2, tôi làm hồ sơ sang Nhật Bản theo diện du học. Tuy nhiên, sau khi tham khảo một số bạn bè đang làm việc bên đó, tôi đã thay đổi quyết định. Nguyên nhân do chi phí để sang Nhật vẫn khá cao trong khi thu nhập không ổn định như trước. Tôi dự định sẽ sang Hàn Quốc làm việc".
Theo anh Lê Văn Bình, Giám đốc Công ty CP Giáo dục NewStar DVB Group (TP Hải Dương), hiện thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản đã trầm lắng hơn trước rất nhiều. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp mới có khoảng 60 đơn hàng lao động tại thị trường này, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do lạm phát kinh tế, nhiều người không quan tâm nhiều thị trường này. Người lao động đang có tâm lý so sánh Nhật Bản với các nước khác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Úc...
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, có khoảng 2.630 người lao động Hải Dương đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù không còn sôi động như trước nhưng Nhật Bản vẫn là thị trường nhiều tiềm năng và phù hợp với người lao động Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng.
Thời gian qua, Hải Dương tích cực triển khai các hoạt động thúc đẩy quan hệ hợp tác, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Tuy nhiên, người lao động cần tuân thủ pháp luật của nước sở tại, nên lựa chọn các chương trình do cơ quan nhà nước tổ chức, các doanh nghiệp được phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để tránh rủi ro và bảo đảm mọi quyền lợi.
ĐQ