Lao động - Việc làm

Bức xúc tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn nộp bảo hiểm xã hội

PHONG TUYẾT 01/10/2024 15:00

Tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn nộp bảo hiểm xã hội khiến người lao động bị thiệt thòi. Hải Dương hiện có tới 217 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

00:00

img_6339.jpeg
Công ty CP Bê tông ly tâm Vinaincom ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) nợ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Một nữ nhân viên ở đây đã sinh con gần 2 năm vẫn chưa được hưởng trợ cấp thai sản

Nợ hàng chục tỷ đồng và ảnh hưởng tới hàng nghìn công nhân

Tính đến hết tháng 8, toàn tỉnh Hải Dương còn 217 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên cho 2.089 người lao động với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng.

Toàn tỉnh cũng còn khoảng 41 tỷ đồng tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội là nợ khó thu. Đây là số nợ của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, chủ sử dụng lao động bỏ trốn hoặc cố tình trốn đóng...

Nợ số tiền nộp bảo hiểm xã hội và chậm trên 3 tháng nhiều nhất là Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Doanh nghiệp này nợ gần 2,6 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội của 166 lao động trong hơn 6 tháng. Kế tiếp là Công ty TNHH Sợi Vĩ Sơn nợ gần 2,1 tỷ đồng của 19 công nhân trong gần 2 năm.

Còn về sự chây ỳ, lẩn tránh nộp tiền bảo hiểm xã hội có Chi nhánh Công ty TNHH Yến Thanh tại Hải Dương (ở xã Thanh Quang, huyện Nam Sách) nợ của 11 lao động trong 44 tháng (gần 4 năm) với tổng số tiền gần 759 triệu đồng. Theo Bảo hiểm Xã hội huyện Nam Sách, doanh nghiệp này chậm đóng nhiều năm, cơ quan bảo hiểm không liên lạc được, đến trực tiếp công ty cũng không gặp được chủ doanh nghiệp.

Đây cũng là thực trạng ở một số doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh. Khi bị thanh tra và ra quyết định xử phạt hành chính, một số doanh nghiệp cũng không chấp hành.

Khi phóng viên Báo Hải Dương liên hệ qua điện thoại với bà Bùi Thị Hải Yến, đại diện chi nhánh Công ty TNHH Yến Thanh tại Hải Dương, bà Yến cho biết doanh nghiệp được sang nhượng từ người khác với rất nhiều khoản nợ có từ trước đó. Sản xuất không ổn định nên chưa có kinh phí để trang trải. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ cố gắng chi trả một phần nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Một số doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng không làm thủ tục dừng hoạt động khiến cơ quan bảo hiểm không có căn cứ để khoanh nợ, dừng tính lãi chậm đóng để xử lý. Có doanh nghiệp trụ sở một nơi, chủ doanh nghiệp một nẻo nên cơ quan bảo hiểm xã hội muốn liên hệ để "đòi nợ" cũng khó.

Tháng 8 vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương giám sát tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương và một số huyện đều nhận được phản ánh tình trạng chây ì ở doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Luật sửa đổi có chế tài mạnh

img_0709.jpeg
Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2288/KH-UBND về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, nhiều địa phương tích cực vào cuộc. Trong ảnh: UBND huyện Nam Sách tổ chức hội nghị, tuyên truyền tới các chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội gây thiệt thòi cho người lao động. Vì Công ty CP Bê tông ly tâm Vinaincom nợ đóng bảo hiểm xã hội mà một nữ lao động ở đây đã sinh con gần 2 năm rồi vẫn chưa được hưởng trợ cấp thai sản với số tiền khoảng 30 triệu đồng.

Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương quyết định xử phạt chi nhánh Công ty TNHH Yến Thanh gần 75,5 triệu đồng từ ngày 14/10/2022 vì hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động. Cơ quan thanh tra Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết đến ngày 27/9/2024, doanh nghiệp này vẫn chưa nộp phạt. Khi thực hiện cưỡng chế qua tài khoản, ngân hàng cho biết tài khoản doanh nghiệp không có đồng nào. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển cơ quan công an cùng phối hợp đôn đốc đơn vị thực hiện nghiêm chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định cụ thể biện pháp xử lý hành vi chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, bắt buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng và nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền, số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng. Riêng hành vi trốn đóng có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, luật này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng Phòng Quản lý thu - sổ, thẻ (Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương), để giải quyết tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương trong quản lý, theo dõi sát sao hoạt động của doanh nghiệp và sự thay đổi trong chính nhận thức của người lao động ở Hải Dương.

PHONG TUYẾT
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bức xúc tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn nộp bảo hiểm xã hội