Việc tử tế

Những đôi tay “biết nói”

BẢO ANH 03/03/2024 19:00

Chỉ với đôi tay, nhờ học ngôn ngữ ký hiệu mà nhiều em nhỏ khuyết tật nghe, nói ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương đã có thể học bài, giao tiếp... Học ngôn ngữ ký hiệu đã giúp các em mở ra tương lai tươi sáng hơn.

img_2403.jpg
Cô giáo hướng dẫn các em học sinh khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương học ngôn ngữ ký hiệu

Lớp học “lặng thinh”

Cả lớp đọc theo cô nào: “Cháu yêu thương cha mẹ/ Và thương cả hai bà”. Đáp lại lời của cô giáo Nguyễn Thị Thảo không phải là âm thanh của những học trò nhỏ mà chỉ là sự im lặng và những bàn tay di chuyển theo những động tác uyển chuyển của cô Thảo.

Thấy chúng tôi tới thăm, các em nhanh nhẹn đứng dậy khoanh tay cúi chào. Nhiều em dùng hai ngón tay chỏ chạm vào nhau. Cô Thảo cho chúng tôi biết là các con muốn hỏi tên khách là gì? Bằng ngôn ngữ ký hiệu riêng dành cho trẻ khuyết tật nghe, nói, cô Thảo giới thiệu tên tôi là hai ngón tay tạo thành hình chữ L kề vào má rồi cô lần lượt lấy thêm nhiều ví dụ để tôi hiểu hơn về sự đặc biệt của ngôn ngữ ký hiệu mà các em đang học. Chẳng hạn như để tay lên cằm có nghĩa là “ba”, áp tay lên má là “mẹ”, làm động tác như vuốt râu dưới cằm là “ông”...

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương hiện có hơn 340 học sinh khuyết tật thì có hơn 100 em khuyết tật nghe, nói đang học ngôn ngữ ký hiệu. Ban đầu mỗi em đến đây đều được lần lượt học hệ thống chữ cái bằng ngón tay. Cô Thảo cho biết nếu học sinh bình thường khi vào lớp 1 được học bảng chữ cái… thì các em khuyết tật nghe nói cũng được học bảng ngôn ngữ ký hiệu riêng ban đầu tương ứng như bảng chữ cái. Chỉ khác là các em học bằng ký hiệu trên từng ngón tay. Từ bảng ngôn ngữ ký hiệu này các em có thể ghép vần thành những câu, từ dễ hiểu.

img_2331.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng dạy các em học cách đọc thời gian bằng ngôn ngữ ký hiệu

Dạy ngôn ngữ ký hiệu cần có sự kiên trì. Nhiều giáo viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được chuyển từ các trường THPT sang dạy trẻ khuyết tật nên phần lớn chưa được tiếp cận với ngôn ngữ ký hiệu, vì vậy các thầy cô đều phải học ngôn ngữ này từ đầu.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương cho biết dạy ngôn ngữ ký hiệu không dễ, đòi hỏi sự kiên trì và am hiểu. Ngoài học ngôn ngữ ký hiệu từ cuốn sách do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cung cấp thì các thầy cô giáo ở đây cũng phải mày mò học thêm từ các video chia sẻ trên internet.

Để giúp các em học ngôn ngữ ký hiệu nhanh chóng, hình dung được âm thanh, hình ảnh sống động từ cuộc sống, Trung tâm Bảo trợ xã hội đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào từng tiết học. Mỗi lớp học đều được trang bị máy chiếu hoặc ti vi để khi dạy học các thầy cô có thể minh họa ngay giúp các em dễ hình dung, từ đó rút ngắn thời gian học. Khi đã thành thạo với ngôn ngữ từ đôi tay, các em sẽ được học toán, tiếng Việt và nhiều môn học bổ ích khác…

Dạy học sinh bình thường khó một, dạy học sinh khuyết tật nghe, nói bằng ngôn ngữ ký hiệu khó gấp nhiều lần, nhưng với sự kiên trì và trái tim yêu thương của các thầy cô ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương đã giúp các em tự tin hòa nhập cuộc sống, mở ra tương lai tươi sáng hơn.

Mở cửa tương lai

img_2395.jpg
Các thầy cô giáo ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh vừa dạy ngôn ngữ ký hiệu bằng đôi tay vừa minh họa bằng hình ảnh trên ti vi để các em dễ hiểu, dễ học

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hồng, 18 năm gắn bó với các em nhỏ khuyết tật nghe, nói ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chia sẻ: “Mới nhìn qua, nhiều người dễ lầm tưởng ngôn ngữ ký hiệu là thứ ngôn ngữ “khua khoắng” nhưng thực tế ngôn ngữ ký hiệu giúp người khuyết tật nghe, nói có thể giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Đây là ngôn ngữ nhờ cử chỉ, hành động tay, chân cũng như biểu hiện của nét mặt để người nói biểu đạt chính xác những từ, số, câu nói… khi muốn thông tin tới người khác. Vì thế mà không ít học sinh nhờ học ngôn ngữ ký hiệu đã có thể giao tiếp tốt với bố mẹ, thầy cô và dễ hòa nhập cộng đồng hơn.

img_2380.jpg
Cô giáo kiểm tra học sinh đọc bảng cửu chương bằng ngôn ngữ ký hiệu

Được học ngôn ngữ ký hiệu, nhiều học sinh khuyết tật nghe, nói của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đã có việc làm ổn định. Em Nguyễn Thị Vân quê ở xã Thanh Tùng (Thanh Miện) đang làm nhân viên cho một quán ăn tại Hà Nội. Chị Phạm Thị Hạnh mẹ em Vân cho biết ban đầu tôi cho con theo học ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chỉ hy vọng con có thể giao tiếp được với cha mẹ chứ không kỳ vọng con có thể kiếm được việc làm. “Nhận tháng lương đầu tiên của con mà mẹ vỡ òa hạnh phúc bởi giờ đây con có thể tự lập và tự lo cho cuộc sống của chính mình”, chị Hạnh nói.

img_2309.jpg
Hệ thống chữ cái bằng ngón tay là bài học đầu tiên về ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên của các em khuyết tật nghe nói

Nhiều người cho rằng đây là “ngôn ngữ diệu kỳ” vì nhờ nó, nhiều hoàn cảnh khiếm khuyết đã có thêm niềm hy vọng trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết thêm nhiều học sinh học ngôn ngữ ký hiệu đã thi đỗ vào các khoa hoặc chuyên ngành giáo dục đặc biệt của các trường sư phạm để tiếp tục trở thành những người thầy dạy ngôn ngữ ký hiệu. Thậm chí, các em còn tự tin giao tiếp và có thể sử dụng ngôn ngữ này ở nước ngoài.

Học bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng cần sự kiên trì rèn luyện và học tập chăm chỉ. Nhờ những bàn tay “biết nói” hy vọng sẽ giúp các em nhỏ khuyết tật nghe, nói của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương mở cửa tương lai cho chính mình.

BẢO ANH
(0) Bình luận
Những đôi tay “biết nói”