Những "cú hích" giúp cổ phiếu bất động sản, chứng khoán hồi phục

28/03/2023 14:12

Việc lãi suất có xu hướng giảm đang được coi là tạo lực đẩy cho sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và chứng khoán.


Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc lãi suất có xu hướng giảm, cùng với Nghị định 08/2023/NĐ-CP do Chính phủ ban hành về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08/2023/NĐ-CP), đang được coi là tạo lực đẩy cho sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngành bất động sản và chứng khoán.

Theo Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành 2 quyết định cắt giảm các lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15.3.2023.

Quyết định số 313/QĐ-NHNN ngày 14.3.2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước  đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm.

Quyết định số 314/QĐ-NHNN ngày 14.3.2023 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016.

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Đây là lần đầu tiên sau tháng 10.2020, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất và động thái này đã đảo ngược xu hướng tăng lãi suất trước đây của Việt Nam, với lần tăng lãi suất gần nhất là vào tháng 10 năm ngoái.

Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, đây là động thái quyết đoán và chủ động trước của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tăng lãi suất.

Theo Mirae Asset (Việt Nam), việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát và đây là một phần trong nỗ lực liên tục của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nói chung và tháo gỡ những trở ngại cho cả doanh nghiệp và người dân.

Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 6.3.2023, các ngân hàng thương mại đã thống nhất giảm lãi suất huy động từ 0,2% - 0,6%/năm, áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng, so với mức lãi suất do từng ngân hàng công bố vào ngày 27.2.2023.

Việc giảm lãi suất huy động này nhằm giúp các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, từ đó sẽ gián tiếp giúp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các ngành và lĩnh vực ưu tiên.

Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), ông Hoàng Công Tuấn cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tích cực đến triển vọng của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới. Về mặt lý thuyết khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ nhiệt thì đa phần các ngành nghề lĩnh vực kinh doanh đều được hưởng lợi.

Đối với ngành chứng khoán, các công ty chứng khoán sẽ được hưởng lợi đáng kể khi mặt bằng lãi suất thấp hơn khuyến khích hoạt động đầu tư vào các tài sản tài chính. Điều này sẽ hỗ trợ các công ty chứng khoán gia tăng doanh số trong nghiệp vụ cơ bản như môi giới và cho vay ký quỹ.

Ngoài ra, các tài sản tài chính mà các công ty chứng khoán đầu tư bao gồm trái phiếu và cổ phiếu cũng sẽ diễn biến khả quan qua đó gia tăng sức khỏe tài chính của các công ty.

Với lĩnh vực bất động sản hiện tại đang sử dụng đòn bẩy nợ ở mức cao, bao gồm cả hình thức vay ngân hàng và huy động trái phiếu doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, ngành bất động sản gặp khó khăn nhiều nhất do lãi suất tăng cao vào khả năng huy động vốn khó khăn. Vì vậy, mặt bằng lãi suất hạ và thanh khoản nền kinh tế dồi dào là tiền đề để ngành bất động sản giảm bớt cả hai vấn đề khó khăn này.

Nhìn nhận về vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đạt mục tiêu lãi suất 5,25% trong tháng 5.2023 và sẽ sớm dừng việc tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023, khi các bất ổn của hệ thống ngân hàng đang diễn ra trong thời gian gần đây.

Vì vậy, vị chuyên gia này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có điều kiện sớm nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế trong giai đoạn 6 tháng cuối năm, khi lạm phát Việt Nam vẫn đang được kiểm soát ở mức thấp. Điều này có thể sẽ khiến tình hình lãi suất có thể hạ nhiệt trong 6 tháng cuối năm.

Tuần trước, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến phục hồi tích cực như VHM tăng 13,03% với thông tin chuyển nhượng dự án giá trị lớn. Các cổ phiếu khác cũng tăng như CEO tăng 5,85%, NLG tăng 4,4%, NVL tăng 3,48%, HDC tăng 2,64%...

Điểm nhấn trong tuần trước là tin tức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất 0,25% lên mức 4,75-5% trong ngày 22.3.2023 và dự kiến tăng thêm 1 lần trong 2023 sau đó giảm dần. Nhờ đó, thị trường phản ứng tích cực với kỳ vọng lãi suất đã đạt đỉnh.

Nhóm dịch vụ tài chính duy trì tăng điểm tích cực trong tuần khi thanh khoản cải thiện, với kỳ vọng dòng tiền sẽ quay lại thị trường chứng khoán khi lãi suất đang đạt đỉnh. Cụ thể, CTS tăng 7,58%, FTS tăng 5,61%, VCI tăng 5,43%, MBS tăng 4,38%, HCM tăng 3,16%...

Đến phiên thứ hai (ngày 27.3) nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán vẫn ngập sắc xanh.

Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận phân tích và Chính sách vĩ mô Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, thị trường tiếp tục đón nhận một số thông tin hỗ trợ. Cụ thể, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động duy trì xu thế giảm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có những cải thiện bước đầu như giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại sau 2 tuần Nghị định 08/2023/NĐ-CP chính thức được ban hành hay một số doanh nghiệp thỏa thuận thành công việc gia hạn trái phiếu.

Những thông tin này có thể hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư trong thời gian tới và khơi thông dòng vốn của nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường chứng khoán.
Trong tuần giao dịch này, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin vĩ mô quan trọng, như tăng trưởng GDP quý I, chỉ số CPI quý  I...; đồng thời, một số doanh nghiệp có thể công bố số ước tính kết quả kinh doanh quý I.

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế cũng như kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ không thực sự khả quan trong quý I năm nay. Trong bối cảnh những thông tin tốt - xấu đan xen, ông Hinh cho rằng, thị trường chứng khoán có thể duy trì xu hướng tích lũy trong ngắn hạn.

Theo chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco), bước sang năm 2023, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng sẽ xen lẫn cơ hội. Những khó khăn đến từ diễn biến phức tạp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu.

Mặc dù vậy, một số thông tin tích cực đang dần xuất hiện có thể hỗ trợ các doanh nghiệp như Nghị định 08/2023/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành; Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những "cú hích" giúp cổ phiếu bất động sản, chứng khoán hồi phục