Như lời cầu chúc ngày xuân

16/02/2018 09:00

Mừng tuổi con trẻ, biếu quà người bề trên với những lời chúc tốt lành mỗi dịp Tết đến là một nét đẹp trong cuộc sống đã được đúc kết ngàn đời.


Tết trong cảm nhận của trẻ em là được diện quần áo đẹp, nhận tiền mừng tuổi với lời chúc tốt lành của ông bà, cha mẹ. Ảnh: TC

Trải qua thời gian, những mỹ tục ấy dù có nơi, có lúc bị biến tướng, méo mó nhưng ở nhiều gia đình vẫn còn gìn giữ được nét đẹp truyền thống với những cách làm đầy ý nghĩa.

Những ngày tôi còn nhỏ, Tết trong cảm nhận với bọn trẻ vô lo vô nghĩ vui nhất là ngày ba mươi và sáng mùng một. Sự chộn rộn, háo hức đón Tết dường như dồn cả vào ngày ba mươi. Cả nhà bận rộn cho những công việc cuối cùng để chuẩn bị đón năm mới. Đàn ông con trai trong nhà thì quét dọn, trang hoàng nhà cửa, bày biện bàn thờ với mâm ngũ quả, với quất vàng, đào thắm. Đàn bà con gái tíu tít chuẩn bị cho mâm cỗ tất niên. Lũ trẻ thường được mẹ hay chị lo tắm tất niên sớm nhất với nồi nước lá mùi già thơm ngát đặt bên nồi bánh chưng đang lục bục sôi trên bếp lửa hồng. Sau mục tắm tất niên là coi như lũ trẻ đã sẵn sàng đón Tết, chỉ còn đợi sáng mùng một diện quần áo đẹp, nhận tiền mừng tuổi với lời chúc tốt lành của ông bà, cha mẹ.

Để mừng tuổi cho trẻ trong ngày Tết, những gia đình cẩn thận thường chuẩn bị sẵn những phong bao giấy đỏ. Tiền mừng tuổi là tiền xu, chọn những đồng thật mới. Những năm 60 thế kỷ trước, mẹ tôi thường chuẩn bị những đồng một hào đỏ tươi, mặt trước có hình Quốc huy, mặt sau in hình đoàn tàu đang chạy. Cũng cần nói thêm là trong bộ tiền giấy hồi ấy (được phát hành năm 1958), chỉ có tờ một hào mệnh giá thấp nhất và tờ mười đồng mệnh giá cao nhất, mặt trước có ảnh Cụ Hồ, mặt sau in hình ảnh Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, là in màu đỏ. Mà tờ một hào xem ra thắm hơn, lại có giá trị vừa phải nên hay được dùng để mừng tuổi cho con trẻ, với ý nghĩa cầu chúc mang lại sự may mắn nhân ngày đầu năm mới. Ít hơn là mừng tuổi 5 xu, ít nữa thì 2 xu. Thế nên trẻ con ngày Tết trong túi quần, túi áo thường lóc xóc tiếng đồng xu. Thỉnh thoảng lại bỏ ra, so xem  đứa nào có nhiều đồng xu mới, chứ không phải là nhiều tiền hơn. Tết những năm xa xưa ấy, chẳng ai dùng tờ mười đồng, đồng tiền có mệnh giá cao nhất để mừng tuổi. Duy nhất một lần tôi được “mừng tuổi” bằng tờ tiền ấy là tết đầu tiên sau khi cha tôi mất, chú ruột tôi là họa sĩ Tạ Thúc Bình xuống thăm nhà trước Tết, mừng tuổi sớm cho tôi. Thật ra đó là một sự giúp đỡ tế nhị của chú tôi để mẹ tôi lo Tết, vì mười đồng khi ấy cũng to lắm!

Giờ đã lên chức ông, nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác nao nao khi nhận phong giấy đỏ mừng tuổi từ tay cha tôi với lời chúc ngoan ngoãn, học giỏi. Thông thường, khi cha mẹ, ông bà dạy bảo con cháu thì là “nhắc” hay “dặn”. Riêng khi mừng tuổi lại là “chúc”. Chỉ như vậy cũng thấy được cái ý nghĩa của nghi thức này. Những đồng hào, đồng xu mới tinh được trao cho con trẻ ấy đã vượt khỏi cái mệnh giá nó mang, trở thành một lời cầu chúc, một sự nhắc nhở cho một tâm thế hứng khởi bước vào năm mới, một hành trình mới. Còn nhớ đồng một hào màu đỏ tươi ấy mấy anh chị em tôi luôn để dành, giữ cho nó luôn mới đến tận Tết năm sau.

Giờ thì tôi chắc ít đứa trẻ còn được hưởng cái cảm giác vừa hồ hởi, vừa thiêng liêng như lứa chúng tôi hồi bé khi nhận những đồng tiền mừng tuổi trong những ngày đầu năm mới của cái thời xa xưa ấy. Đơn giản là bởi cái cách người lớn mừng tuổi cho con trẻ cũng đã khác xưa ít nhiều. Trong khi nhiều gia đình vẫn duy trì nét đẹp truyền thống, có một thực tế đáng buồn là cái mỹ tục mừng tuổi con trẻ dịp đầu năm mới, một phong tục thuần túy có giá trị tinh thần lại đang ít nhiều bị biến tướng, thậm chí méo mó đi khá nhiều. Thế nên nhiều khi tôi phải chứng kiến những tình huống khá khó xử của chủ và khách trong ngày Tết khi mừng tuổi cho con trẻ.

Con bé cháu gọi tôi là ông trẻ, khi được mừng tuổi tờ 500.000 đồng mà khách “không kịp” cho vào phong bao, nhất định từ chối, bảo con thích tờ màu đỏ cơ. Thì ra cháu thích tờ 500 đồng, tờ tiền duy nhất in màu đỏ của bộ giấy bạc ngân hàng hiện nay, vì nó thấy đẹp. Con trẻ thì vô tư như vậy, nhưng chắc giờ chẳng ai đủ can đảm để mừng tuổi chúng bằng tờ tiền rất hiếm khi dùng trong lưu thông tiền tệ ấy, kể cả khi đặt tiền “giọt dầu, giọt nến” trên các ban thờ nhiều không kể xiết tại những điểm thờ tự. Có chăng là mới đây cánh tài xế có sáng kiến dùng chúng để trả tiền phí khi qua các trạm BOT. Tết năm ngoái, tôi lại là người bất đắc dĩ chứng kiến một cô bé sau khi nhận phong bao có hình con gà, thản nhiên bóc ngay trước mặt khách và nhận xét: “Có mỗi mười ngàn!”. Là người ngoài cuộc nhưng tôi, chắc cả chủ lẫn khách cũng vậy, đều cảm thấy khó xử. Chẳng biết cảm nhận của tôi có chủ quan không vì có lần tôi đã vô tình nghe trên xe bus đoạn hội thoại giữa hai bà mẹ trẻ: “Mình mừng tuổi con nó những 500 ngàn mà nó chẳng mừng tuổi lại con mình!”. Xem ra “đối tác” của bà mẹ này một là không tán thành cái kiểu mừng tuổi lý tài của chị, hoặc là chẳng biết phải “đi” lại bao nhiêu cho vừa…

Chẳng biết tự bao giờ mỹ tục mừng tuổi cho trẻ nhân dịp năm mới bị biến tướng, méo mó như vậy. Mà cũng chẳng phải với trẻ con. Nó đã bị lạm dụng trong nhiều mối quan hệ. Như phong tục truyền thống xưa, chỉ có người bề trên mừng tuổi mở hàng hay lì xì cho người dưới. Cha mẹ, ông bà, chú bác mừng tuổi cho con cháu. Lãnh đạo, ông chủ mừng tuổi cho người làm, nhân viên. Nay thì khác, cấp dưới mừng tuổi cấp trên là chuyện thường tình. Tế nhị hơn là cấp dưới đến nhà đầu năm, có phong bao mừng tuổi cho con trẻ. Nhưng chỉ cần xem số tiền đựng trong đó người ta cũng biết người nhận thực chất không phải chúng. Nguy hại hơn là những biến tướng của tục mừng tuổi còn khiến nhiều đứa trẻ nghĩ đây là một cơ hội để kiếm tiền. Khi khách đến nhà chúng cứ quanh quẩn nơi người lớn trò chuyện, một điều bị nghiêm cấm trong các gia đình nền nếp, chỉ đến khi được mừng tuổi mới chạy ù đi chỗ khác. Tệ lạm dụng phong tục tốt đẹp ấy cùng sự biến hóa đa dạng của nó còn có  nguy cơ làm ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ. Ngay cách tiêu số tiền được mừng tuổi cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Không ít đứa trẻ dùng những đồng tiền dễ dãi có được ấy vào những trò chơi vô bổ, thậm chí có hại như bài bạc, game…

Cũng rất may là trong nhiều gia đình các bậc phụ huynh đã nhận thức được. Ở nhiều gia đình, bố mẹ, ông bà đã hướng dẫn con trẻ dùng tiền mừng tuổi vào những việc có ích như mua sách, đồ dùng học tập, làm từ thiện, đóng góp giúp các bạn nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào bị thiên tai, bão lụt. Cách ứng xử ấy chẳng những góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của tục mừng tuổi đầu xuân năm mới, trả lại cho nó nét đẹp vốn có tự bao đời mà còn góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho con trẻ, “của để dành” của mỗi gia đình và cả xã hội.

Mừng tuổi con trẻ, biếu quà người bề trên mỗi dịp Tết đến Xuân về là một nét đẹp trong cuộc sống đã được đúc kết ngàn đời. Yêu trẻ, trẻ đến nhà. Kính già, già để tuổi cho. Mong sao những mỹ tục ấy mãi mãi chỉ mang vẻ đẹp tinh thần như cha ông ta ngàn đời đã nghĩ và làm như thế cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Xin được coi đây là một lời cầu chúc nhân dịp bước vào năm mới Mậu Tuất 2018.

PHƯƠNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Như lời cầu chúc ngày xuân