Việc học trực tuyến ngay từ đầu năm học mới đã khiến nhu cầu mua sắm thiết bị công nghệ, đặc biệt là máy tính tăng vọt.
Ảnh tư liệu
Mùa tựu trường năm nay rơi vào đợt dịch kéo dài, giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố dẫn đến nhu cầu mua laptop tăng rất mạnh.
Nhu cầu mua laptop tăng 200%
Trao đổi với phóng viên sáng 5.9, đại diện hệ thống Thế giới di động cho biết nhu cầu mua sắm laptop trong những ngày đầu tháng 9 tăng mạnh đến 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Thế Kha, giám đốc khối viễn thông di động hệ thống FPT Shop, cũng cho biết: "Do ảnh hưởng dịch, mọi người ít di chuyển nên smartphone có nhu cầu thấp hơn và giảm nhẹ 10% so với tháng trước, ngược lại, laptop và máy tính bảng đều tăng 50% do nhu cầu làm việc tại nhà dài hạn, học sinh, sinh viên cũng bắt đầu học online. Doanh số tháng 8 năm nay tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu học tập, làm việc online tăng cao".
Cũng theo ông Kha, phân khúc giá được khách hàng lựa chọn khá đa dạng khi FPT Shop bán tốt cả hai loại Apple iPad (giá cao) và Samsung, Masstel và Lenovo (giá thấp) tùy vào điều kiện của từng gia đình.
Bà Ánh Hồng, giám đốc tiếp thị hệ thống bán lẻ 24hStore, cũng cho biết nhu cầu mua sắm thiết bị để phục vụ việc học và làm việc tăng cao. "Tại cửa hàng 24hStore, iPad và Macbook là sản phẩm được nhiều người quan tâm, gọi hỏi và đặt mua. Trong đó, dòng iPad Gen 8 với mức giá phải chăng, đáp ứng vừa đủ nhu cầu được chọn mua nhiều nhất", bà Hồng thông tin.
Tại hệ thống CellphoneS, doanh số các dòng sản phẩm phục vụ cho việc học tập, làm việc qua mạng đã tăng hơn 35% so với tháng trước và tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái dù tình hình giãn cách vẫn rất phức tạp. "Khách hàng mua máy tính bảng, Macbook, laptop các hãng khác chiếm khoảng 50% doanh số toàn hệ thống. Người dùng vẫn ưa chuộng nhất các phân khúc bình dân với giá cả dao động từ 10-20 triệu đồng", đại diện hệ thống thông tin.
Theo CellphoneS, bên cạnh laptop, nhu cầu mua sắm máy tính bảng cũng tăng trưởng mạnh. "Tuần rồi, chúng tôi ghi nhận lượng mua máy tính bảng nói chung và iPad nói riêng tăng khoảng 50% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 8, khi mà nhiều trường tiểu học khai giảng trở lại và triển khai đồng loạt hình thức học online thì sức bán tăng lên rõ rệt tại hệ thống, gấp 3 lần so với ngày thường và tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi giãn cách", đại diện CellphoneS cho biết.
Phụ huynh "ngược xuôi" sắm đồ cho con
Trước khi những đợt giãn cách liên tục diễn ra ở TP Hồ Chí Minh, chị Xuân Mai (TP Thủ Đức) đưa con về quê tránh dịch, đến nay vẫn chưa thể quay trở lại được. Năm học mới đã bắt đầu và trường cho học sinh học trực tuyến, chị Mai phải tất bật chạy đi lo mua các thiết bị cho con học tập.
"Lúc rời TP Hồ Chí Minh chỉ nghĩ về quê nghỉ đến hết hè chắc cũng sẽ hết dịch và quay lại năm học mới là vừa nên tôi không mang theo nhiều đồ và thiết bị học tập cho con. Hôm trước, tôi phải gom tiền chạy đi mua một chiếc laptop cho cháu học, nay lại phải đi mua thêm tai nghe và webcam phục vụ hoạt động thể chất. Ở quê cũng đang dịch và giãn cách xã hội nên việc đi mua đồ rất khó khăn", chị Mai kể.
Ngay tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, nhiều bậc phụ huynh cũng phải "vật vã" để lo trang thiết bị cho con mình học trực tuyến.
"Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa, tôi phải đi dò hỏi, lên mạng tìm kiếm, gọi điện hỏi thăm mấy ngày liền mới tìm được vài chỗ bán chiếc webcam. Rồi tôi lại phải hỏi thật kỹ khâu giao hàng của các nơi bán xem họ có giao hàng được không, bao lâu thì giao hàng trong khi con tôi đang cần gấp. Vật vã một hồi mới mua được một món đồ tưởng chừng như quá dễ dàng có được ngay ở trung tâm TP Hồ Chí Minh", anh Hoàng Hải (quận 1, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế nên việc trang bị các thiết bị công nghệ cho con em học trực tuyến không dễ dàng. Thậm chí, nhiều gia đình (một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh) không thể mua sắm được một chiếc máy tính và nối mạng Internet, hoặc nếu có được thì cũng là những thiết bị cũ kỹ, sản phẩm mua lại giá rẻ.
Những thiết bị này (chủ yếu là máy tính) hầu như chỉ đủ đáp ứng việc truy cập mạng Internet và "điểm danh vào lớp học trực tuyến", chứ khó có thể phục vụ việc học trôi chảy cho học sinh. Đó là chưa kể những rắc rối, hỏng hóc xảy ra trong quá trình sử dụng phần mềm và các thiết bị.
Theo Tuổi trẻ