Nhớ cái Tết tuổi thơ nghèo khó nhưng rất đẹp đẽ

19/01/2023 20:26

Nếp nhà cũ của gia đình tôi có mái ngói 4 gian, sân làm bằng xỉ than trộn vôi đầm kỹ. Thời nghèo khó, có cơ ngơi ấy cũng thuộc dạng khá giả ở làng.

Những nếp nhà cũ không còn, cuộc sống đã đủ đầy hơn, nhưng câu chuyện về Tết xưa luôn là một những kỷ niệm ai cũng còn nhớ mãi

Gia đình tôi ở quê nhưng lại không có ruộng, vì thế những ngày cuối năm, ngôi nhà được cha tôi trang hoàng sớm hơn hàng xóm.

Gọi là trang hoàng, nhưng cũng chỉ là chút vôi ve màu trắng, hồng hoặc xanh, được cha tôi quét các chân tường, quét vào các chậu cây cảnh trước nhà. Gốc cây ở sân, trong vườn cũng được cha quét bằng vôi. Lúc bé chỉ nghĩ, trẻ con ngày Tết có áo mới thì cây cũng được mặc "áo", lớn lên mới biết, ngoài trang trí, quét vôi vào gốc cây còn có tác dụng tiêu diệt sâu bọ hại cây, vốn sinh sôi mạnh khi trời mưa phùn, gió bấc.

Cha tôi là thương binh, để lại chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa một cánh tay, nhưng ông rất khéo léo. Tôi nghĩ, nếu không có chiến tranh, được đi học đầy đủ, có lẽ ông đã là một nhà điêu khắc, hay họa sĩ. Ông uốn cây cảnh rồi cắt tỉa thành hình con hạc. Mùa xuân thì con hạc màu trắng của hoa, mùa thu thì hạc màu vàng rất đẹp, ai ghé vào uống trà cũng phải xuýt xoa. Thời trước làm gì có nhiều giống hoa, cây cảnh nên vào dịp Tết chỉ là mấy bông thược dược đỏ, hoa đồng tiền đơn, đồng tiền kép. Hễ thấy thược dược, đồng tiền nở trước nhà, thấy giọt sương long lanh đậu trên lá rau sương muối, thấy tiếng pháo nổ đì đoàng là biết Tết sắp về.

Trẻ con hồi xưa thèm Tết chứ không lạnh nhạt như trẻ bây giờ. Hồi ấy đám trẻ con thường đếm ngược xem còn bao ngày nữa là đến Tết, rồi hỏi nhau:

- Nhà cậu gói bao nhiêu cái bánh chưng? Có đụng lợn không hay mua ngoài chợ? Có mấy con gà?

Tết là để được ăn ngon, để được nhận tiền mừng tuổi gom lại chờ qua Tết đi hội chùa Giám. Nhà nào khá giả thì trẻ còn có thêm manh áo mới.

Hồi năm tám mấy, cả mấy xã chỗ tôi chưa có điện. Trong gian bếp chỉ có rơm và củi. Có năm rét đậm, bà tôi làm một cái ổ rơm trong bếp, ấm áp vô cùng. Sáng mùng 1 Tết, mưa xuân lắc rắc, gió lùa lạnh buốt, nhưng thấy mùi khói là biết mẹ đang nấu nướng. Chui ra khỏi chăn ấm, đi xuyên qua khoảng sân rộng vẫn còn tờ mờ tối là xuống đến căn bếp đỏ hồng củi lửa. Sao mà ấm áp, thân thương. Hình ảnh ấy đến giờ thật khó gặp lại ở các miền quê.

Mẹ tôi dặn, Tết không được đi xin lửa. Vì thế chiều 30, tôi luôn được giao nhiệm vụ kiểm tra lại bật lửa xem còn xăng không, còn đá lửa không, tất cả đầy đủ mới được chạy đi chơi.

Trời sáng hẳn, khi tiếng pháo nổ giòn giã khắp làng là mẹ khệ nệ bưng lên mâm cỗ thắp hương. Sáng mùng 1 Tết, nếu không ăn sớm thì một chốc đã thấy tiếng chúc nhau râm ran ở ngay ngoài cổng...

Đồ ăn ngày Tết khi trước cũng đơn sơ. Là vài cân thịt được áp chảo treo lên hoặc thả ngập vào xoong mỡ cho đỡ ôi thiu. Trên mâm cơm mùng 1 Tết có thêm đĩa thịt gà sống thiến hoặc đĩa cá chuối, cá rô nướng được thả trong cái chum dưới gốc cây trước cửa từ trước Tết. 

Nếp nhà xưa chẳng còn. Những ngôi nhà cũ trong làng cũng được thay bằng các căn nhà hiện đại. Ở làng quê mà nhìn như ở phố. Cũng không còn bếp rạ, bếp rơm nên chẳng còn khói bếp. Đồ ăn ngày Tết ngồn ngộn trên mâm mà chẳng mấy ai chú ý. Trẻ con cũng không còn thèm khát một manh áo mới...

Cuộc sống đủ đầy, nhưng những câu chuyện của Tết một thời khốn khó, những món ăn đơn sơ là thế, sao thơm ngon đến lạ. Những mùi vị ấy đến giờ tôi không sao tìm lại được, dù ở trong khách sạn 5 sao sang trọng hay một nhà hàng cao cấp nào trên thành phố...

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ cái Tết tuổi thơ nghèo khó nhưng rất đẹp đẽ