Nhiều ngân hàng lại ''chạy đua'' lãi suất

30/08/2019 09:10

Lãi suất huy động của các ngân hàng đang được đẩy lên mức cao. Gửi càng nhiều, thời hạn gửi càng dài thì lãi suất càng cao.


Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP Hồ Chí Minh

Các món quà cũng đang được tung ra để cạnh tranh.

Đua lãi suất

Tại VPBank, lãi suất tiền gửi 6 tháng đã được đẩy lên 7,3%/năm, nhưng nếu khách hàng gửi từ 300 triệu đồng trở lên thì lãi suất là 7,5%/ năm. Để hút tiền tiết kiệm, ngân hàng (NH) này vừa đưa ra chương trình tri ân khách hàng, với khách gửi 300 triệu đồng trở lên sẽ được cộng thêm 0,1-0,2%/năm.

Nhân viên một phòng giao dịch của SCB ở Hà Nội cho biết với món tiền gửi từ 50 triệu đồng, khách hàng sẽ được nhận lãi suất 8%/năm với kỳ hạn gửi là 6 tháng và 8,45%/năm với gửi kỳ hạn 12 tháng.

Ngoài hút vốn tiền gửi tiết kiệm thông thường, một số NH huy động lãi suất chứng chỉ tiền gửi xấp xỉ mức 9%/năm.

Đơn cử, SHB đưa ra mức lãi suất 8,9%/năm với kỳ hạn 36 tháng, 8,8%/năm kỳ hạn 24 tháng. Hay Viet A Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,1%/năm dành cho khách cá nhân...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia NH - nhận định lãi suất huy động đang nóng lên khoảng 2 tuần trở lại đây, nhất là ở một số NH cổ phần, do các NH đang gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn nên buộc phải đẩy lãi suất lên ở những kỳ hạn dài.

Mất cân đối vốn ngắn và dài hạn

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay tiền gửi ở các NH tháng sau bao giờ cũng tăng cao hơn tháng trước.

Tuy nhiên, trong cơ cấu tiền gửi tiết kiệm của các NH hiện nay đang có sự mất cân đối về kỳ hạn. Tỉ lệ vốn huy động ngắn hạn đang chiếm 78% trong khi vốn huy động trung và dài hạn chỉ chiếm 22%.

Để khắc phục tình trạng mất cân đối này, các NH đang đẩy mạnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài. Nhu cầu bổ sung này đang dậy sóng trong hệ thống các NH thương mại.

Ngoài ra, để thực hiện giới hạn an toàn vốn trong hoạt động NH theo thông tư 41, các NH bắt buộc phải nâng vốn huy động trung và dài hạn lên thông qua triển khai các dịch vụ, sản phẩm mới hấp dẫn người gửi tiền, trong đó nâng lãi suất là cách làm được nhiều NH chú ý.

Nhiều NH phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng nhằm mục tiêu này.

Trước phản ánh một số NH tặng thêm lãi suất cho người gửi tiền, ông Minh cho biết hiện NH Nhà nước chỉ quản lý trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, khống chế không quá mức 5,5%. Từ 6 tháng trở lên, mức lãi suất sẽ cho các NH tự tính toán, thỏa thuận với khách hàng.

"Các hình thức tặng lãi suất có thể được hiểu là đa dạng hình thức dịch vụ, sản phẩm của NH nhằm hút khách" - ông Minh cho biết.

Không để mặt bằng lãi suất bị phá vỡ

Với sức hấp dẫn của lãi suất hiện nay, lượng tiền người Việt gửi vào hệ thống NH sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết trước các diễn biến này, NH Nhà nước vẫn đang theo dõi chặt chẽ, bám sát thị trường để có chính sách điều hành phù hợp.

"Chủ trương điều hành của NH Nhà nước là đảm bảo mặt bằng lãi suất không bị phá vỡ, đặc biệt là lãi suất cho vay. Cho đến nay, lãi suất cho vay vẫn khá ổn định dù đang chịu nhiều áp lực tăng. Điểm tích cực là các NH đang cố gắng ổn định lãi suất, thậm chí một số NH lớn tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên" - ông Minh nói.

TS Nguyễn Minh Sáng, Trường Đại học NH TP Hồ Chí Minh - đánh giá sau khi hết nửa đầu năm 2019, hầu hết NH đã chạm trần "room" cho vay trong khi nguồn vốn NH vẫn đang dồi dào. Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay do đó không phản ánh câu chuyện thanh khoản của các NH.

NH Nhà nước siết tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và cuộc đua tăng lãi suất gần đây của các NH là để đáp ứng tiêu chuẩn này nên theo ông Sáng, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu tình hình này tiếp diễn, lãi suất cho vay có thể sẽ bị tác động vào những tháng cuối năm. Bởi lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay sẽ luôn cùng chiều. Nguyên lý là lãi suất cho vay sẽ cao hơn lãi suất huy động 2,5-3% để bảo đảm NH có lợi nhuận.

Lãi suất huy động có nơi đã vượt 10%/năm

Thông tin từ NH Nhà nước cho biết ba tuần đầu tiên của tháng 8, lãi suất huy động của các NH phổ biến 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1-6 tháng; 5,5-6,8%/năm với tiền gửi có kỳ hạn 6-12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức lãi suất phổ biến 6,6-7,5%/năm.

Tuy nhiên, tại OCB, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 8,2%/năm, tăng 0,3% so với lãi suất niêm yết tháng 7. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi mở mới có số dư từ 500 tỉ đồng hoặc tiền gửi kỳ hạn 13 tháng đến hạn và tự động tái tục.

Huy động vốn dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi, NH Bản Việt tung ưu đãi lãi suất từ 9,5%/năm kỳ hạn 24 tháng. Riêng kỳ hạn 60 tháng lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Với lãi suất cho vay, nhiều NH đang áp dụng lãi suất ưu đãi 8-10%/năm cố định trong 3, 6 hoặc 12 tháng đầu, sau đó thả nổi theo thị trường 10-12%/năm.

HỮU DUYÊN

Theo Tuổi trẻ


Lãi suất huy động có nơi đã vượt 10%/năm

Thông tin từ NH Nhà nước cho biết ba tuần đầu tiên của tháng 8, lãi suất huy động của các NH phổ biến 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1-6 tháng; 5,5-6,8%/năm với tiền gửi có kỳ hạn 6-12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên mức lãi suất phổ biến 6,6-7,5%/năm.

Tuy nhiên, tại OCB, lãi suất tiền gửi tại quầy cao nhất là 8,2%/năm, tăng 0,3% so với lãi suất niêm yết tháng 7. Mức lãi suất này áp dụng cho khoản tiền gửi mở mới có số dư từ 500 tỉ đồng hoặc tiền gửi kỳ hạn 13 tháng đến hạn và tự động tái tục.

Huy động vốn dưới hình thức chứng chỉ tiền gửi, NH Bản Việt tung ưu đãi lãi suất từ 9,5%/năm kỳ hạn 24 tháng. Riêng kỳ hạn 60 tháng lãi suất lên đến 10,2%/năm.

Với lãi suất cho vay, nhiều NH đang áp dụng lãi suất ưu đãi 8-10%/năm cố định trong 3, 6 hoặc 12 tháng đầu, sau đó thả nổi theo thị trường 10-12%/năm.

HỮU DUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều ngân hàng lại ''chạy đua'' lãi suất