Bên cạnh các ngành đang khó khăn về thưởng Tết do sản xuất bị ngưng trệ thì các ngành tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm... vẫn là nhóm có thưởng Tết hấp dẫn.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Nhiều địa phương đã lần lượt công bố mức thưởng Tết, so với mọi năm thì năm nay doanh nghiệp thông báo về mức thưởng Tết muộn hơn. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và gặp nhiều khó khăn, song vẫn cố gắng duy trì mức thưởng tương đương năm cũ. Mặt khác, một số ngành vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong dịch bệnh nên mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm nay tăng so với năm ngoái.
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực duy trì "tháng lương 13"
Đến nay, Đà Nẵng là địa phương có mức thưởng Tết cao nhất dẫn đầu cả nước với hơn 1,4 tỷ đồng của lao động trong công ty công nghệ thông tin, cao hơn mức cao nhất cả nước năm 2021. Còn tại một số địa phương phía Nam bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì các doanh nghiệp đều cố gắng duy trì mức thưởng Tết bằng năm ngoái dù hoạt động sản xuất, kinh doanh không được duy trì liên tục.
Tại TP Hồ Chí Minh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt dịch kéo dài, lao động nhận thưởng Tết Nhâm Dần bình quân tương đương Tết Tân Sửu là 8,8 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất xấp xỉ 1,3 tỷ đồng thuộc về cá nhân làm việc trong khối FDI, cao hơn so với mức năm trước đó ghi nhận là 1,07 tỷ đồng.
Còn tại Đồng Nai, nơi có 1,2 triệu công nhân đang làm việc thì 50% số đơn vị có báo cáo cho biết thưởng Tết Nguyên đán bình quân năm nay bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, chủ yếu là một tháng lương. Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất xấp xỉ 800 triệu đồng thuộc về giám đốc doanh nghiệp FDI, cao hơn so với năm trước là 600 triệu đồng; mức thấp nhất là 1,75 triệu đồng.
Các doanh nghiệp tại Bình Dương mặc dù cũng gặp nhiều khó khăn do COVID-19 nhưng vẫn tăng mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân và mức cao nhất so với năm 2021. Tiền thưởng Tết Nhâm Dần năm 2022 cao nhất tại Bình Dương là 628,6 triệu đồng cao hơn 131,6 triệu đồng so với mức thưởng năm 2021. Mức tưởng Tết Nguyên đán bình quân là 7,97 triệu đồng, cũng cao hơn 310.000 đồng so với năm 2021.
Khu vực phía Bắc cũng chịu tác động của dịch bệnh và các đợt cách ly xã hội kéo dài, nhưng một số địa phương vẫn duy trì được mức thưởng Tết bình quân cao hơn năm cũ. Bắc Giang có mức thưởng cao nhất gần 228 triệu đồng và mức thưởng thấp nhất ghi nhận 100.000 đồng, mức thưởng bình quân là 5,2 triệu đồng, tăng 200.000 đồng so với năm trước. Còn tại Bắc Ninh, lao động nhận thưởng Tết mức cao nhất 212 triệu đồng thuộc lao động khối FDI và mức thưởng bình quân là 5,45 triệu đồng, cũng tăng nhẹ so với năm 2021.
Hà Nội là một trong những địa phương có sự giảm nhẹ về mức thưởng Tết bình quân so với năm trước, thậm chí một số đơn vị khó khăn chưa có kế hoạch thưởng Tết. Người lao động thành phố nhận thưởng bình quân từ 3,2-4,2 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất tại Hà Nội tương đương năm ngoái, với 400 triệu đồng trong doanh nghiệp dân doanh.
Tài chính-ngân hàng là một trong những ngành có mức thưởng Tết hấp dẫn. (Ảnh minh hoạ: CTV/Vietnam+)
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết các địa phương báo cáo chưa đầy đủ nhưng nhìn chung mức thưởng bình quân năm nay sẽ ngang bằng như năm trước hoặc một số doanh nghiệp sẽ thấp hơn năm trước.
“Qua hai năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19 thì các nguồn dự phòng, nguồn tích lũy của doanh nghiệp cũng hết sức khó khăn. Vì vậy, chúng tôi cũng động viên doanh nghiệp chăm lo, còn con số cụ thể chúng ta chưa tính được, nhưng cơ bản cũng ngang bằng với năm 2021,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực ở mức cao nhất để người lao động có một cái Tết cơ bản, bởi đây chính là động lực để người lao động gắn bó, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để duy trì lương tháng 13. Khoảng 30-50% doanh nghiệp sẽ giảm mức thưởng cho người lao động.
Giữ chân lao động bằng thưởng Tết linh hoạt
Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết Nguyên đán gặp khó khăn do sản xuất ngưng trệ, đơn hàng giảm. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn sẽ có mức thưởng thấp hơn. Ngược lại, các ngành tài chính-ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm... vẫn là nhóm ngành có thưởng Tết hấp dẫn trong năm nay.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: “Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động là vẫn cố gắng làm thế nào để có tháng lương Tết (tháng lương thứ 13). Tôi tin chắc rằng ở phía Nam, thưởng Tết không được như mọi năm, nhưng sẽ vẫn có. Ở phía Bắc, các doanh nghiệp cho biết khả năng vẫn cố gắng giữ như năm trước.”
Nhiều doanh nghiệp có kế hoạch bù đắp thưởng Tết cho người lao động bằng các phần quà như gạo, mứt, bánh kẹo Tết, phiếu mua hàng, tổ chức xe đưa đón công nhân về quê. Một số doanh nghiệp lên kế hoạch tất niên, thăm hỏi người lao động nghèo khó, tổ chức đón Tết cho lao động xa quê không về nhà. Ngược lại, có doanh nghiệp kết hợp giải quyết nghỉ phép trong năm để lao động có thêm thời gian về nhà đón Tết.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng chăm lo Tết cũng là một cách giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu lao động như hiện nay. Trong khó khăn chung, người lao động và doanh nghiệp nên cùng chia sẻ với nhau, bởi khi tình hình dịch còn diễn biến phức tạp thì giữ được việc làm là điều quý giá nhất.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, hiện nay việc người lao động quay trở lại làm việc là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải có những biện pháp, những chính sách hết sức linh hoạt để làm sao giữ chân người lao động thông qua việc chăm lo, đảm bảo đời sống cho người lao động.
“Có nơi thì trả thêm lương thưởng hoặc có những chính sách an sinh như hỗ trợ tiền vé xe, vé tàu, quà Tết rất linh hoạt để giữ chân người lao động. Với khả năng và cách làm của mỗi doanh nghiệp thì về cơ bản các doanh nghiệp mong muốn sau Tết tất cả lao động quay trở lại làm việc để đảm bảo cho sản xuất bình thường, giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, góp phần phát triển kinh tế xã hội,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định.
Theo Vietnam+