Thủ tướng Truss đắc cử với cam kết vực dậy nền kinh tế Anh, nhưng một loạt sai lầm trong điều hành khiến bà phải từ chức chỉ sau 44 ngày.
Ngày 20.10, chưa đầy 24 giờ sau khi tuyên bố "là một chiến binh, không phải kẻ bỏ chạy", Thủ tướng Liz Truss thông báo từ chức, trở thành lãnh đạo chính phủ có thời gian tại nhiệm ngắn nhất lịch sử Anh.
Nhiệm kỳ ngắn ngủi của bà được đánh dấu bởi những tranh cãi, sai lầm liên quan đến kế hoạch cắt giảm thuế khiến thị trường tài chính hỗn loạn, cũng như sự kiện Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời.
Ngày 5.9, bà Truss, 47 tuổi, khi đó là ngoại trưởng Anh, giành chiến thắng trong cuộc đua song mã với cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, kế nhiệm ông Boris Johnson.
Bà là thủ tướng thứ tư đến từ đảng Bảo thủ kể từ cuộc bầu cử năm 2015, trong bối cảnh nước Anh đang đối mặt một cuộc khủng hoảng vật giá và kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái.
Bà giành được sự ủng hộ trong đảng nhờ cam kết hành động nhanh chóng để ứng phó khủng hoảng chi phí, nói trong vòng một tuần sẽ lên kế hoạch giải quyết tình trạng giá năng lượng gia tăng và đảm bảo nguồn cung nhiên liệu trong tương lai.
Trong quá trình tranh cử, bà Truss ám chỉ sẽ thách thức các quy ước thông thường về kinh tế, bằng cách hủy kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp, cắt giảm các thuế khác, động thái bị giới chuyên gia kinh tế cảnh báo sẽ làm gia tăng lạm phát.
Điều này cùng với cam kết sẽ xét lại cơ cấu nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), nhưng vẫn bảo vệ tính độc lập của nó, sau đó đã khiến nhà đầu tư bán tháo đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh.
Ngày 7.9, vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, bà Truss bổ nhiệm nội các chính phủ mới theo yêu cầu từ Nữ hoàng Elizabeth II. Nội các Anh có sự thay đổi đáng kể, với 15 gương mặt mới, chỉ giữ lại 16 người từ nội các cũ của ông Johnson.
Trong số này, đáng chú ý là Kwasi Kwarteng, được chọn làm Bộ trưởng Tài chính thay thế Nadhim Zahawi, người vừa đảm nhận vị trí này hồi tháng 7. Kwarteng, quốc vụ khanh Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Phát triển sạch Anh từ tháng 1.2021, là bộ trưởng nội các da màu đầu tiên của đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, những ngày đầu nhiệm kỳ của bà Truss bị lu mờ khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ngày 8.9, hưởng thọ 96 tuổi. Anh tổ chức quốc tang 10 ngày cho vị quân chủ nắm quyền lâu nhất trong lịch sử, với tang lễ diễn ra ngày 19.9.
Sau quốc tang của Nữ hoàng, chính phủ của bà Truss ngày 23.9 công bố ngân sách ngắn hạn mới tại quốc hội, trong đó vạch ra kế hoạch giảm thuế có thể khiến ngân sách thâm hụt 45 tỷ bảng (50 tỷ USD) mà không có nguồn bù đắp, trong khi tăng đáng kể các khoản vay của chính phủ.
Theo kế hoạch được Bộ trưởng Tài chính Kwarteng trình bày, Anh sẽ điều chỉnh giảm thuế thu nhập tối thiểu từ 20% xuống 19%, tối đa từ 45% về 40%. Chính quyền bà Truss còn giữ nguyên thuế suất với doanh nghiệp ở 19%, thay vì tăng lên 25% vào tháng 4/2023 như kế hoạch của chính quyền tiền nhiệm.
Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giám sát ngân sách chính phủ Anh, chỉ trích ông Kwarteng vì không đưa ra được dự báo về tăng trưởng và vay nợ trong kế hoạch ngân sách của mình.
Kế hoạch của ông Kwarteng được đưa ra nhằm thúc đẩy kinh tế Anh, nhưng lại vấp phải phản ứng quyết liệt của thị trường. Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng mạnh, trong khi đồng bảng Anh (GBP) mất giá kỷ lục vào ngày 26.9, xuống 1 GBP đổi 1,035 USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 27.9 thông báo "đang theo dõi chặt chẽ" các diễn biến và kêu gọi chính phủ Anh thay đổi chiến lược. Một ngày sau, Ngân hàng Trung ương Anh can thiệp trấn an thị trường, sau khi IMF chỉ trích kế hoạch ngân sách của London sẽ làm gia tăng bất bình đẳng và khiến lạm phát thêm trầm trọng.
Ngân hàng Trung ương Anh thông báo mua vào lượng trái phiếu chính phủ Anh dài hạn trị giá tới 65 tỷ bảng "để khôi phục các điều kiện thị trường".
Bà Truss ngày 29.9 vẫn bảo vệ kế hoạch kinh tế của mình, phớt lờ phản ứng tiêu cực từ thị trường tài chính cũng như cảnh báo của các chuyên gia. Bà tuyên bố sẵn sàng "đưa ra những quyết định khó khăn" để thúc đẩy kinh tế Anh tăng trưởng.
Trong bình luận đầu tiên kể từ khi kế hoạch ngân sách ngắn hạn gây ra hỗn loạn trên thị trường, bà Truss nói Anh đang đối mặt "thời khắc kinh tế rất, rất khó khăn". Bà cho rằng các rắc rối này mang tính toàn cầu và do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi giới chuyên gia cho rằng đây là hậu quả từ sai lầm trong chính sách của bà.
Đảo ngược chính sách
Trước phản ứng ngày càng dữ dội của thị trường và dư luận, Bộ trưởng Tài chính Kwarteng ngày 3.10 thông báo đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế với nhóm người có thu nhập cao ở Anh, chiếm khoảng 2 tỷ bảng trong 45 tỷ bảng thâm hụt dự kiến.
Đề xuất giảm thuế với nhóm có thu nhập cao "đã trở thành sự xao nhãng khỏi sứ mệnh quan trọng của chúng tôi là giải quyết những thách thức đất nước phải đối mặt", ông Kwarteng giải thích. "Chúng tôi đã hiểu vấn đề, đã lắng nghe".
Nhưng động thái này không giúp ông Kwarteng, người bạn thân của bà Truss, giữ được ghế. Đối mặt áp lực ngày càng tăng liên quan đến kế hoạch ngân sách ngắn hạn, Thủ tướng Truss ngày 14/10 quyết định sa thải Kwarteng và bổ nhiệm Jeremy Hunt thay thế ông, đảo ngược kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp.
Bà Truss nói thuế suất với doanh nghiệp sẽ tăng lên 25% từ tháng 4/2023, động thái giúp ngân sách công có thêm khoảng 18 tỷ bảng. Ngân hàng Trung ương Anh dần dần dừng can thiệp thị trường.
Ngày 17.10, ông Hunt loại bỏ gần như toàn bộ gói biện pháp kinh tế của người tiền nhiệm, nói Anh cần lấy lại lòng tin từ nhà đầu tư. Ông hủy kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập, thay đổi chính sách áp giá trần năng lượng, tuyên bố sẽ đánh giá lại hiệu quả chính sách vào tháng 4, thay vì chờ hai năm.
Giọt nước tràn ly
Sóng gió chưa dùng lại với bà Truss. Ngày 19.10, Suella Braverman từ chức Bộ trưởng Nội vụ, dùng thư từ chức để công kích Thủ tướng Truss, bày tỏ "lo ngại về hướng đi của chính phủ hiện tại".
Đây được đánh giá là "giọt nước tràn ly", khi bà Truss mất hai thành viên nội các cấp cao chỉ trong chưa đầy một tuần, trong khi hai tân bộ trưởng đều là các chính trị gia không ủng hộ bà.
Bà đối mặt thách thức lớn trong cuộc bỏ phiếu về đề nghị dỡ lệnh cấm khoan thủy lực cắt phá trong thăm dò khí đốt được Anh ban hành từ năm 2019. Công đảng đối lập khởi xướng cuộc bỏ phiếu này và đây được coi là màn "bỏ phiếu bất tín nhiệm" với Thủ tướng Truss.
Chính phủ của bà Truss vẫn giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu, với 326 phiếu ủng hộ, 230 phiếu phản đối. Tuy nhiên, có tới 40 nghị sĩ Bảo thủ không bỏ phiếu ủng hộ chính phủ nhưng cũng không đứng về phe đối lập, một số cho biết họ bị đe dọa "loại khỏi đảng Bảo thủ" nếu không bỏ phiếu ủng hộ.
Số nghị sĩ Bảo thủ bất mãn với Thủ tướng Truss ngày càng tăng. Ít nhất 13 người đã công khai kêu gọi bà từ chức. Bà Truss ngày 19/10 vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục dẫn dắt đảng Bảo thủ.
Nhưng một ngày sau, bà Truss đứng trước Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing, thông báo quyết định từ chức, kết thúc 44 ngày đảm nhiệm chức vụ.
"Tôi nhậm chức vào thời điểm kinh tế và tình hình quốc tế rất bất ổn. Các gia đình và doanh nghiệp lo lắng về những khoản thanh toán hóa đơn. Chiến sự Ukraine đe dọa an ninh cả lục địa. Đất nước chúng ta bị tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp kìm hãm quá lâu", bà Truss nói trong diễn văn từ chức.
"Tôi được đảng Bảo thủ bầu ra với nhiệm vụ phải thay đổi những điều này. Căn cứ vào tình hình, tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ mà đảng đã giao phó. Do đó, tôi đã nói chuyện với Nhà Vua để thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ", bà cho biết thêm.
Đảng Bảo thủ sẽ tổ chức bầu tân lãnh đạo trong vòng một tuần, công bố tân thủ tướng vào ngày 28/10. Trong thời gian chờ đợi, bà Truss sẽ là thủ tướng tạm quyền. Trong khi đó, Công đảng đối lập kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử.
"Đảng Bảo thủ không thể sửa sai bằng cách chọn thay đổi người lãnh đạo mà không có sự đồng thuận từ người dân Anh", Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng, nói. "Chúng ta cần một cuộc tổng tuyển cử, ngay lúc này".
Theo VnExpress