Chính quyền thành phố Tokyo và các tỉnh lân cận cùng những tổ chức liên quan của Nhật Bản đang lên kế hoạch hỗ trợ lao động nước ngoài trong lĩnh vực hộ lý.
Các điều dưỡng viên, hộ lý trước khi sang làm việc tại Nhật Bản được đào tạo trong nước theo các quy định tại Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN
Kế hoạch trên là một trong những hoạt động nhằm chuẩn bị môi trường cho việc mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài theo dự luật nhập cư sửa đổi vừa được thông qua tại Hạ viện nước này hôm 27.11 vừa qua.
Bắt đầu từ năm 2019, chính quyền thành phố Tokyo sẽ cấp trợ cấp cho các du học sinh nước ngoài vừa làm việc tại cơ sở chăm sóc sức khỏe, vừa học tập tại trường đào tạo hộ lý. Tổng trợ cấp một năm cho một du học sinh khoảng 1,4 triệu yen, bao gồm chi phí sinh hoạt và lệ phí thi kỳ thi hộ lý quốc gia. Ngoài ra, với tư cách lưu trú là hộ lý, người nước ngoài có thể làm việc lâu dài tại Nhật Bản.
Tại tỉnh Chiba, kế hoạch hỗ trợ chi phí thuê nhà và học tiếng Nhật đối với lao động nước ngoài trong lĩnh vực hộ lý cũng đã được xây dựng. Tỉnh đã lên dự toán cho năm 2019 và sẽ thông qua tại kỳ họp hội đồng của tỉnh tới đây.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia hàng đầu cung cấp nguồn lao động cho Nhật Bản. Vì vậy, một số địa phương như thành phố Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa đã ký các bản ghi nhớ tiếp nhận lao động hộ lý với những cơ sở đào tạo, địa phương của Việt Nam. Thành phố này cũng đang nỗ lực dành ưu tiên cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí nhà ở và học phí cho người lao động nước ngoài làm việc trong lĩnh vực hộ lý.
Trong tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước ngoài, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ký với Cục Phúc lợi xã hội và Nạn nhân chiến tranh, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Bản bản ghi nhớ về việc triển khai tiếp nhận thực tập sinh ngành hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản. Trong văn bản này có nội dung thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc sẽ được đào tạo miễn phí tiếng Nhật và chuyên môn.
Hiệp hội Đào tạo nhân viên hộ lý và phúc lợi xã hội Nhật Bản trong tháng 9 cũng khai trương cửa tư vấn miễn phí bằng tiếng Việt cho lao động Việt Nam trong lĩnh vực hộ lý.
Trước thực trạng dân số già hóa, chính quyền các địa phương của Nhật Bản và tổ chức liên quan đang thúc đẩy xây dựng thêm cơ sở chăm sóc sức khỏe khiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực hộ lý tăng cao. Trong những năm tới, Nhật Bản được cảnh báo sẽ thiếu hàng nghìn lao động trong lĩnh vực này.
THÀNH HỮU (TTXVN)