Nhan nhản vi phạm bến bãi sông nội đồng

12/03/2022 06:34

Các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt, chấn chỉnh hoạt động bến bãi, đưa hoạt động này đi vào nền nếp.


Bến bãi của gia đình ông Nguyễn Công Tuyền ở xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đã tồn tại từ lâu và chưa được cấp phép

Dù quy mô không lớn, hầu hết chỉ mang tính nhỏ lẻ nhưng những bến bãi sông nội đồng không phép trên địa bàn tỉnh đã và đang ảnh hưởng lớn tới việc điều tiết, vận hành hệ thống thủy lợi cũng như gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý.

Không phép tràn lan

Tại thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện) hiện có 3 bến bãi nằm trong phạm vi bảo vệ sông Cửu An nhưng chưa được cấp phép. Các bến bãi này đã hoạt động khoảng 3 năm nay trên diện tích chỉ vài trăm m2, chủ yếu cung ứng vật liệu xây dựng cho người dân trong xã. Theo ông Vũ Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm nhưng các chủ bến bãi vẫn không chấp hành mà ngang nhiên hoạt động. Chủ bến bãi viện nhiều lý do để cố tình trì hoãn. Mặt khác do bất cập về nguồn gốc đất nên việc xử lý những bến bãi sai phạm này khó khăn. Tuy vậy, đây không thể là lý do để biện minh cho hành vi lập bến bãi không phép của các hộ.

Bến bãi không phép của gia đình ông Nguyễn Công Tuyền ở bờ hữu sông Đĩnh Đào thuộc xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đã tồn tại từ lâu. Không chỉ hoạt động khi chưa được cấp phép, để phục vụ kinh doanh, ông Tuyền còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm Luật Thủy lợi như đóng cọc gỗ lấn ra lòng sông 3 m, rào chắn ngang mặt bờ kênh bằng lưới thép cản trở việc kiểm tra, xử lý khi xuất hiện sự cố của đơn vị quản lý... Với trường hợp này, cơ quan chức năng đã ban hành 36 văn bản yêu cầu chủ bến bãi giải tỏa, trả lại nguyên trạng nhưng đến nay ông Tuyền mới chỉ khắc phục phần nào vi phạm, còn bến bãi thì vẫn hoạt động chui.

Bến bãi sông nội đồng ở Hải Dương chủ yếu hoạt động ở hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải do hệ thống này có nhiều tuyến sông nội đồng vừa phục vụ tưới tiêu, vừa đáp ứng được yêu cầu vận tải đường thủy. Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện trên địa bàn Hải Dương có 54 bến bãi trên các tuyến sông Sặt, Đĩnh Đào, Cửu An, Tây Kẻ Sặt. Tuy nhiên mới chỉ có 2 bến bãi được cấp phép, còn lại là không được hoặc chưa được cấp phép song các chủ bến bãi vẫn tự ý hoạt động, phớt lờ các quy định của pháp luật về thủy lợi. Trong đó, các bến bãi không phép tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Giang (22 bến bãi), Tứ Kỳ (11 bến bãi), Bình Giang (10 bến bãi)...

Bất cập việc xử lý

Bến bãi sông nội đồng hình thành do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của người dân ngày càng cao. Thế nhưng để loại hình bến bãi này phát sinh tràn lan, không theo quy hoạch, thiếu sự quản lý, kiểm soát sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Dù là nội đồng nhưng nếu xảy ra sự cố trên hệ thống Bắc Hưng Hải thì mức độ nguy hại sẽ tương đương sông ngoài, nhất là khi Hải Dương nằm ở cuối nguồn. Không những vậy, bến bãi tự phát sẽ kéo theo nhiều vi phạm khác, ảnh hưởng tới năng lực tưới tiêu của công trình. Đặc biệt, những bến bãi không phép này còn có thể tiếp tay cho "cát tặc" tiêu thụ nguyên liệu, vật liệu không rõ nguồn gốc.

Mặc dù sai phạm đã rõ song việc xử lý các bến bãi sông nội đồng vi phạm gặp khó vì có nhiều vướng mắc. Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đơn vị chỉ có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện vi phạm, còn việc xử lý thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do sự phối hợp giữa các bên còn thiếu chặt chẽ nên xử lý không triệt để, khiến cho một số chủ bến bãi nhờn luật, sinh ra tâm lý nộp phạt để được tồn tại. Ngoài ra, việc quản lý đất đai trong hành lang bảo vệ bờ sông của chính quyền một số nơi còn nhiều bất cập. Dù là đất lưu không, chỉ được phép giao cho người dân nhận thầu khoán nhưng có địa phương lại cấp "sổ đỏ" cho dân. Vì thế, nhiều chủ bến bãi vin vào lý lo này để chây ỳ, không giải tỏa bến bãi vi phạm.         

Từ những vướng mắc, tồn tại của bến bãi sông nội đồng, các cấp, ngành cần vào cuộc quyết liệt, chấn chỉnh hoạt động bến bãi đi vào nền nếp. Có như vậy mới bảo đảm được an toàn bờ sông, tránh được những sự cố trong hành lang thoát lũ khi mùa mưa bão đến.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhan nhản vi phạm bến bãi sông nội đồng