Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có tới vài trăm bài hát dành cho tuổi thơ, từ các em thiếu sinh quân trong những năm kháng chiến chống Pháp đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, mẫu giáo hôm nay.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã có tới vài trăm bài hát dành cho tuổi thơ, từ các em thiếu sinh quân trong những năm kháng chiến chống Pháp đến các cháu thiếu niên, nhi đồng, mẫu giáo hôm nay. Những bài hát do ông sáng tác có một sức hút mạnh mẽ với ca từ và giai điệu trong sáng, giản dị tự nhiên, lan tỏa. Những ca khúc đó trải qua năm tháng vẫn nguyên vẹn với nét đẹp của âm nhạc gắn với bao thế hệ thiếu nhi.
Mùa hè năm 1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang ở khu học xá Trung ương đóng tại Nam Ninh (Trung Quốc). Một phong trào phấn đấu học tập, tu dưỡng được phát động rộng rãi trong thanh thiếu niên của khu. Đoàn Thanh niên Cứu quốc (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) có chủ trương chuyển thẳng lên đoàn viên đối với những đội viên Đội Thiếu nhi Tháng Tám (nay là Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh) có thành tích học tập và rèn luyện tốt. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc “Tiến lên đoàn viên” về chủ trương này.
Trong đêm nhạc “Cánh én tuổi thơ” giới thiệu những bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua các thời kỳ do Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức năm 1998, trên sân khấu xuất hiện một tốp ca ngẫu hứng lên hát bài ca này, khiến một nhà báo nước ngoài đã phải thốt lên: “Thật ngoạn mục!”. Ca khúc “Tiến lên đoàn viên” được bình chọn vào danh mục các bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.
Có một bài hát mà có lẽ không một ai không từng hát qua hoặc từng nghe con cháu mình hát là bài “Cô và mẹ”. Bài hát ra đời năm 1974, đó là khi gia đình của nhạc sĩ Phạm Tuyên chuyển về ở khu tập thể Khương Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội). Vợ chồng nhạc sĩ tìm đến Trường Mầm non Đống Đa gần nhà để gửi cô con gái út. Cô Hiệu trưởng đề nghị bố cháu viết một bài hát để tặng trường. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã quen với lứa tuổi thiếu nhi vì hằng ngày vẫn đưa con đi học và ông lại có người bạn đời đang nghiên cứu và giảng dạy tâm lý học trẻ em nên nhanh chóng hình thành bài hát. “Cô và mẹ” rất giản dị, ngay khi đưa bài hát vào trường mầm non của con gái đã nhanh chóng bay đến các ngôi trường mầm non khác và bay ra các tỉnh rồi vào trong Nam. Dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 năm đó, khi ngồi xem con em cán bộ trong Đài Tiếng nói Việt Nam liên hoan văn nghệ, đồng chí Trần Lâm (hồi đó là Tổng Giám đốc Đài) ngồi ở hàng ghế khán giả nghe các cháu hát bài “Cô và mẹ” thích quá liền vỗ mạnh vào đùi nhạc sĩ Phạm Tuyên đang ngồi cạnh mà kêu lên khoái chí: “Hay, hay, hay lắm! Thằng cha nào viết bài này mà hay thế”.
“Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” cũng là một ca khúc nằm lòng bao lớp thanh thiếu niên của Thủ đô. Bài hát ra đời vào mùa thu năm 1981. Khi đó Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức. Ban Thiếu nhi Trung ương Đoàn mời nhạc sĩ Phạm Tuyên viết một bài hát nhân sự kiện trọng đại này. Và bài hát được chọn để biểu diễn hôm khai mạc Đại hội.
Hạnh phúc của người nhạc sĩ thật giản dị mà cũng thật bao la. Những bài hát của ông dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đã ngấm vào tuổi thơ như một món quà vô giá. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng kể: “Có hôm đang đi ngoài đường, có một phụ nữ nhận ra tôi tiến lại bảo: "Ông ơi, những bài hát mà ông sáng tác cho thiếu nhi, bố mẹ con hát, rồi đến đời con cũng hát những bài hát ấy. Đến giờ thì lại đến lượt con của con. Cả nhà con cả 3 thế hệ đều hát bài hát ông sáng tác!”. Và có lẽ sẽ còn nhiều thế hệ nữa...
NGUYỄN VIẾT(st)