Ít ai biết, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có tính dự báo sớm về chiến thắng của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mới đây tại một đợt tập huấn về văn học nghệ thuật do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, tôi đã được nghe nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận (quê ở huyện Bình Giang, Hải Dương) kể về hoàn cảnh ra đời chùm 3 bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều đặc biệt là kể từ khi sáng tác bài hát thứ 2, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có tính dự báo về chiến thắng của quân ta trong chiến dịch này.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể, thời điểm đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận lên Điện Biên với tư cách là một người chiến sĩ, một người trong đoàn văn công quân đội. Bài đầu tiên ông sáng tác năm 1953 là bài "Hành quân xa". Bài này ra đời trong một cuộc hành quân ban đêm. Mọi người nói là chúng ta hành quân đi ra đi vào nhưng không biết chiến dịch ở chân địch là ở đâu? Thì có một chiến sĩ nói là: "Không phải thắc mắc, đâu có giặc là ta cứ đi". Chính câu nói đó làm nhạc sĩ Đỗ Nhuận đi trong đoàn quân lóe lên tia sáng và lấy đó làm câu kết của bài "Hành quân xa" là “Hành quân xa dẫu còn nhiều gian khổ”.
Sau đó đến ngày 13/3/1954, chúng ta mở trận đầu tiên tấn công vào cứ điểm Him Lam. Trong đoàn quân thực hiện nhiệm vụ tấn công vào lô cốt của địch ở đồi Him Lam, có một đồng chí Tiểu đội phó Phan Đình Giót vẫy tay chào văn công. Vì lúc đó ta đưa văn công đến tận chiến hào động viên anh em chiến sĩ. Lúc ấy, anh Phan Đình Giót nói rằng, ngày chiến thắng khi trở về chúng tôi sẽ có chiến lợi phẩm mang về tặng cho văn công. Sau đó đúng vào ngày đầu tiên của chiến dịch thì anh Phan Đình Giót hy sinh. Anh Phan Đình Giót là một tấm gương của thanh niên, anh đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, làm nên chiến thắng đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tin đó báo về cho đội văn công, nhạc sĩ Đỗ Nhuận quá xúc động và chỉ trong một thời gian ngắn nhạc sĩ đã sáng tác bài “Trên đồi Him Lam”. Bài hát này có câu: “Ở đây, chúng ta không quên bao anh em đồng chí hy sinh trong trận này… Điện Biên, chúng ta sẽ toàn thắng”.
Lúc đó mới là dự báo, tính dự báo của văn nghệ sĩ từ sự xúc động trong tim. Và rồi đến ngày 7/5/1954 vào hồi 17 giờ 30,Chiến thắng Điện Biên đã đến khi lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội ta cắm trên nóc hầm tướng De Castries. Thì lúc này có anh bưu tá đạp xe về Mường Phăng, lúc đó nhạc sĩ Đỗ Nhuận đang cào san đường ở đấy thì nghe báo: Điện Biên giải phóng rồi, Mường Thanh giải phóng rồi… Nhạc sĩ Đỗ Nhuận quá xúc động, cả đêm 7/5 ông ngồi dưới ngọn đèn dầu lạc và viết ra bài Chiến thắng Điện Biên, với câu mở đầu: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến công trở về…”.
NGỌC THANH