Dòng người di cư đổ dồn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp, sau khi Ankara tuyên bố để mặc làn sóng tị nạn tràn vào châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ dùng "quân bài" người tị nạn để gây sức ép lên EU về vấn đề Syria
Hành động này đang gây áp lực lớn với các nước Liên minh châu Âu (EU), đặt Hy Lạp trước nguy cơ bị “vỡ trận” nếu không thể kiểm soát tình hình. Trước những diễn biến bất lợi trên chiến trường Syria, “con bài di cư” được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng nhằm gây sức ép với EU.
Với lý do không thể “chịu tải” dòng người di cư đổ về Thổ Nhĩ Kỳ do xung đột leo thang ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria, Ankara đã tuyên bố “mở cửa” biên giới cho người tị nạn Syria vào châu Âu. Hàng nghìn người tị nạn, gồm cả người Syria, Iraq, Iran và Pakistan, đã đổ về tỉnh Edirne ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 80 nghìn người di cư bất hợp pháp vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu và dự báo sẽ còn tăng. Chỉ trong một ngày, Chính phủ Hy Lạp đã phải chặn gần 10 nghìn người di cư tìm cách xâm nhập.
Dòng người di cư ồ ạt đổ về trong những ngày qua làm tái hiện cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu hồi những năm 2015 và 2016, khi đó Áo ở vị trí như một hành lang để hàng trăm nghìn người di cư qua Hy Lạp và các nước Balkan vào Đức. Hiện hai quốc gia láng giềng có biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ là Hy Lạp và Bulgaria phải gấp rút tăng cường lực lượng an ninh tới biên giới để ngăn người di cư xâm nhập. Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) được đặt trong tình trạng “cảnh giác cao” tại các khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ “mở cửa” cho người di cư vào châu Âu được cho là phá vỡ cam kết của Ankara với EU theo thỏa thuận hai bên đạt được năm 2016, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ giúp ngăn chặn người di cư Syria ngay từ cửa ngõ của mình, không để họ tràn vào châu Âu. Khi ấy làn sóng di cư trở thành cơn ác mộng đối với châu Âu.
Động thái mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm gây sức ép đối với chính phủ các nước châu Âu về cuộc xung đột leo thang ở tỉnh Idlib của Syria, nơi Ankara phải đương đầu các cuộc tiến công do lực lượng chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn tiến hành. Hàng chục binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng tại miền bắc Syria và Ankara muốn có sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên NATO, trong đó có nhiều nước EU, trong các chiến dịch quân sự của Ankara ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng trước việc EU dường như đứng ngoài cuộc chiến này. Thực tế, Pháp và Đức đã cố gắng khởi động một hình thức gặp bốn bên, với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, để tạo cơ hội tìm giải pháp ngoại giao cho xung đột Syria, song nỗ lực của các thành viên EU không phù hợp, bởi chưa hài hòa được lợi ích.
“Con bài di cư” từng được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng để “mặc cả” với EU trong các vấn đề liên quan cuộc xung đột Syria cũng như việc đàm phán để Ankara gia nhập EU lâu nay vẫn bế tắc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi EU đang phải chật vật đối phó nhiều khó khăn, mới nhất là nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, “con bài” mà Ankara sử dụng gây căng thẳng cho quan hệ hai bên, khiến các nước EU thất vọng. Thủ tướng Đức A.Merkel nêu rõ, Berlin hiểu rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn từ châu Âu, song hoàn toàn không thể chấp nhận khi Ankara buộc người tị nạn phải gánh chịu những hệ lụy.
Theo nhà lãnh đạo Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt thách thức rất lớn, nhưng Ankara nên thể hiện sự “bất mãn” về điều đó với EU, chứ không phải đẩy gánh nặng về phía người tị nạn. Vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ về kiềm chế người di cư được duy trì.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ chuyển gánh nặng người di cư sang các nước EU khiến căng thẳng leo thang trong quan hệ hai bên. Liên hợp quốc kêu gọi các nước bình tĩnh và hạn chế sử dụng vũ lực nhằm ngăn chặn làn sóng di cư. Bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên EU lên kế hoạch họp khẩn để thảo luận về cuộc xung đột đang xấu đi tại Syria, cũng như bàn biện pháp đối phó làn sóng di cư đổ vào châu Âu hiện nay. EU đứng trước mối lo lớn từ “bão di cư”, có nguy cơ làm tái diễn thảm kịch di cư mà châu Âu đã trải qua cách đây 5 năm.
Theo báo Nhân Dân