Góc nhìn

Lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm với môi trường

Theo báo Tin tức 15/12/2023 - 09:58

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường. Dù biết rõ xả chất thải chưa xử lý ra môi trường là vi phạm pháp luật, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm.

Chú thích ảnh
Sự cố vỡ cống thoát nước mặt hồ thải quặng đuôi Nhà máy tuyển đồng Tả Phời trên địa bàn TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai)

Với nhiều vi phạm từ việc xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, Công ty Cổ phần Cromit Nam Việt (đóng tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã bị Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt 3,1 tỉ đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải đến cuối tháng 1/2024. Còn Công ty TNHH Kbec Vina (địa chỉ xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị xử phạt 1,5 tỷ đồng vì xả thải vào môi trường vượt quy chuẩn. Liên quan đến sự cố vỡ cống thoát nước mặt hồ thải quặng, gây ảnh hưởng, thiệt hại tới 104 hộ dân, ngày 11/12/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định xử phạt 650 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin. Đáng chú ý, công ty này còn bị xử lý về hành vi cung cấp thông tin không chính xác, không trung thực về kết quả hoàn thiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trong báo cáo đề xuất cấp phép về môi trường cho dự án trước khi vận hành thử nghiệm.

Phải thấy rằng, sự phát triển nhanh, mạnh của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển đã tạo ra nhiều áp lực đối với môi trường, các hệ sinh thái và sinh học, chất lượng môi trường ở nhiều vùng, địa phương suy giảm. Nhiều địa phương trên cả nước xuất hiện điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đô thị, gây bức xúc dư luận.

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Rõ thấy nhất là vì mục tiêu lợi nhuận, nên các doanh nghiệp thường không muốn đầu tư cho các quy trình sản xuất sạch hoặc xử lý chất thải gây tốn kém, tìm cách trốn tránh các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường để tiết kiệm chi phí. Không ít doanh nghiệp luôn tạo dựng hình ảnh xanh, thân thiện với môi trường, nhưng thực tế họ lại không làm như vậy, thậm chí đi ngược lại các cam kết đã ký.

Dưới áp lực của cạnh tranh, nhu cầu mở rộng quy mô, tăng năng suất, giảm chi phí hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã cố tình quên trách nhiệm xã hội của mình, Trong khi đó, những trường hợp vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính, hoặc mức phạt không đủ sức răn đe, nên phần lớn doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt, thay vì phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải…

Một nguyên nhân khác, đó là sự thiếu trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chính quyền địa phương, nơi có doanh nghiệp đứng chân. Bảo vệ môi trường là vấn đề mang tính xã hội, nghĩa là tác động của sự cố môi trường sẽ gây ảnh hưởng xấu không chỉ với một doanh nghiệp, mà tới toàn thể xã hội, trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Sâu xa hơn, doanh nghiệp chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của môi trường sống với chính doanh nghiệp của mình, nên phớt lờ ý thức tự giác bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, nhiều địa phương chỉ chú trọng tới con số tài chính mà doanh nghiệp đóng góp, rồi bỏ qua những mặt tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là vấn đề xả thải gây ô nhiễm môi trường. Thực tế, rất nhiều dự án tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vấn đề xử lý, thu gom chất thải bị thả nổi, phó mặc cho doanh nghiệp, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. Những vụ chôn lấp chất thải công nghiệp độc hại được phát hiện thời gian gần đây tại nhiều địa phương đã cho thấy, hoạt động quản lý chất thải công nghiệp đang bộc lộ nhiều vấn đề. Đặc biệt, việc giám sát, kiểm tra môi trường ở khu vực có cơ sở sản xuất công nghiệp thiếu tính hệ thống, thiếu sự kết nối giữa các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương.

Sở dĩ tình trạng xả thải trái phép không được ngăn chặn triệt để, một phần vì doanh nghiệp thiếu ý thức chấp hành pháp luật, một phần là sự tắc trách, tiêu cực của một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật. Có không ít bằng chứng về sự tiếp tay, bao che và thông đồng của một vài cán bộ thực thi công vụ đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vi phạm không bị xử lý, dẫn tới luật pháp trong lĩnh vực này trở nên lỏng lẻo và thiếu hiệu quả.

Để tạo sự thay đổi căn bản, toàn diện về bảo vệ môi trường, không thể chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của các doanh nghiệp, mà đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các giải pháp, có những quy định và chế tài rõ ràng, nghiêm khắc. Cùng với việc kiện toàn hệ thống kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cần mở rộng quyền giám sát của các tổ chức xã hội, người dân. Bởi vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, mỗi cá nhân, đơn vị phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tạo ra sự chuyển biến tích cực, tiến tới ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Theo báo Tin tức
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi ích doanh nghiệp và trách nhiệm với môi trường