Nhân Ngày Quốc tế lao động 1/5 tôi lại tự hỏi: Lao động có thật là vinh quang như khẩu hiệu? Tôi đã tìm cách trả lời câu hỏi này bằng quan sát cuộc sống quanh mình và từ kinh nghiệm bản thân.
Ông tôi vừa trải qua một đợt ốm dài. Chỉ cần nhìn gương mặt lo lắng của bố tôi là biết tình trạng sức khoẻ của ông mỗi lần trong phòng ông phát ra tiếng ho. Cấp cứu rồi được về nhà rồi lại lên viện cấp cứu. Cứ thế mấy tháng trời, thời gian ông ở viện nhiều hơn ở nhà. Nhưng bất cứ khi nào ngồi dậy được ông tôi lại viết. Vật bất ly thân của ông là cây bút và quyển sổ. Ông vẫn làm thơ suy ngẫm về cuộc sống, thời cuộc. Trong đầu ông không có một chút bi quan nào về sức khoẻ. Ông vẫn cho ra những bài thơ mới. Thơ của ông được đăng báo… Ông tôi đã vượt qua bệnh tật nhờ nỗ lực lao động và thái độ sống tích cực.
Tôi không đi làm thêm như nhiều bạn cùng học đại học. Bài vở nhiều, tôi tập trung cho việc học và luôn đặt cho mình mục tiêu được học bổng. Tôi coi đó là một cách “làm thêm”. Việc học hay đi làm thêm đều hướng đến mục đích trải nghiệm và kiếm thêm tiền để bớt lệ thuộc vào cha mẹ. Tôi đã đạt được mục tiêu theo cách của mình. Tôi trải nghiệm bằng những mối quan hệ trong học tập, bằng kiến thức và kiếm tiền bằng giành học bổng.
Trong những ngày nghỉ lễ này, tôi thấy các chị công nhân gần nhà tôi vẫn đi làm, bác bán rau vẫn ra chợ, ông sửa xe đạp vẫn chăm chỉ bơm vá. Họ lao động không ngừng nghỉ để nuôi con ăn học, để trang trải cuộc sống thường nhật. Lao động với họ không chỉ là trách nhiệm, sự thôi thúc từ mưu cầu cuộc sống mà còn xuất phát từ tình yêu lao động. Tôi nhận ra điều này ở họ ngay trong những phút thảnh thơi bên con cái. Chị công nhân nhà máy nước luôn giữ cho góc phố sự gọn gàng, sạch sẽ. Bác bán rau kiêm thợ sửa ống nước thì bất kỳ nhà ai trong phố hỏng hóc bồn cầu, vòi tắm rỉ nước, bác đều sẵn sàng tương trợ.
Tôi đọc trên báo Hải Dương thấy tỉnh luôn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 9%/năm. Quyết tâm này được thể hiện trong phát biểu, hành động của người đứng đầu tỉnh, tại nhiều cuộc họp ở các cấp, các ngành bởi tăng trưởng kinh tế là mấu chốt của sự phát triển. Có tăng trưởng mới mở rộng được quy mô nền kinh tế. Quy mô nền kinh tế lớn thêm sẽ làm tăng thu nhập và việc làm của người dân, tăng thu ngân sách nhà nước, tăng vốn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội…
Những năm qua, Hải Dương luôn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao so với bình quân chung của cả nước. Kết quả này là công sức lao động của tất cả người dân, của các chị công nhân, bác bán rau, ông thợ sửa xe đạp ở phố tôi. Khi một nhà máy thiếu đơn hàng, một ngành nghề gặp khó khăn, các cơ quan đều quan tâm tìm hiểu, tìm biện pháp cùng với các doanh nghiệp tháo gỡ để có tăng trưởng, để công nhân có việc làm, có thu nhập nuôi sống gia đình, nộp tiền học cho con…
Nhìn rộng ra đất nước cũng vậy. Muốn hùng cường phải bắt đầu từ lao động cần cù và sáng tạo, lao động bằng tình yêu và sự say sưa. Nhật Bản là một dân tộc chăm chỉ nhất thế giới nhưng rồi cũng bị người Hàn Quốc lấy đi danh hiệu này. 2 nước đông bắc Á đến nay đã là những nước phát triển ở trình độ cao, được thế giới thán phục.
Lao động đem đến sức khoẻ, niềm vui, thu nhập, ý nghĩa cuộc sống. Lao động làm cho quê hương giàu đẹp, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc. Lao động đem đến hạnh phúc bao trùm thế giới và mỗi người dân. Bởi vậy nhất định lao động là vinh quang.
THANH XUÂN