Người Hải Dương nơi miền sơn cước Sông Hinh

21/05/2022 11:03

Lập nghiệp cách quê nhà hàng nghìn cây số, những người Hải Dương nơi mảnh đất Sông Hinh (Phú Yên) đã chí thú làm ăn, cần cù, sáng tạo lập nên những cánh rừng cao su, những vườn cây ăn trái, rồi làm cả du lịch...


Vợ chồng bà Phạm Thị Lưu thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với người dân bản địa

Họ đã và đang là những người đi đầu trong làm giàu cho mảnh đất này.

“Người Hải Dương cừ lắm”

Từ TP Tuy Hoà lên trung tâm huyện Sông Hinh mất gần 1,5 giờ đi xe ô tô. Miền sơn cước phía tây nam tỉnh Phú Yên đón chúng tôi bằng một ngày cuối tháng tư nắng đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ. Đề cập đến người Hải Dương ở mảnh đất Sông Hinh, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện nở nụ cười tươi rồi nói với giọng đầy phấn khích: “Ai chà, người Hải Dương vô đây lập nghiệp cừ lắm. Cái gì cũng biết làm hết trơn, chí thú làm ăn, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào bản địa. Trưởng Phòng Nông nghiệp của huyện hiện tại cũng là người Hải Dương, chuyên môn rất tốt, sáng tạo lắm. Nhờ có ổng đề xuất nhiều cái hay mà giờ Sông Hinh đã trở thành huyện điển hình về phát triển nông nghiệp ở Phú Yên”.

Ông Dạn thông tin huyện Sông Hinh thành lập năm 1985. Toàn huyện có trên 52.000 người thuộc 22 dân tộc anh em, sinh sống tại 11 xã, thị trấn. Trong 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, Sông Hinh được trời phú cho đất đai màu mỡ, thời tiết thuận lợi phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Từ một huyện có hầu hết các xã “7 không” (không đường, không trường, không điện, không nước, không trạm xá, không chợ, không trụ sở), đến nay có 5/10 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới… “Thông tin ngắn gọn vậy để các anh thấy được rằng Sông Hinh không còn khó khăn mà đã trở thành huyện nông nghiệp phát triển số 1 ở Phú Yên. Song, vẫn phải khẳng định rằng những đóng góp của người dân 22 tỉnh, thành phố ở nơi khác đến đây lập nghiệp, trong đó có người Hải Dương rất quan trọng”, ông Dạn chia sẻ.

Sau đó, anh An Văn Thuỳ, cán bộ Trung tâm Văn hoá-Thể thao và Truyền thanh-Truyền hình (cũng là người quê Hải Dương) đưa chúng tôi đi gặp một số bà con người Hải Dương thành đạt. Trên xe, anh hăng say kể về bà con đồng hương, về gia đình, bản thân và những năm tháng khi mới vào Sông Hinh. Anh Thuỳ nhớ lại: “Ngày mới vào đây, nhìn thấy rừng núi hoang vu, không đường, không điện, không nước sạch mà nhiều người chỉ muốn bỏ về quê. Nhưng rồi bà con ta bảo nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, cần cù, chịu khó làm ăn để rồi giờ nhiều nhà đã thành tỷ phú”.


Ông Nguyễn Đức Huy Chu (thứ hai từ trái qua) giới thiệu với phóng viên Báo Hải Dương về khu du lịch đang trong quá trình xây dựng

Trên một đỉnh đồi thuộc thôn Chư Plôi, xã Ea Bar, phóng tầm mắt ra xa thấy ngút ngàn một màu xanh bạt ngàn của cao su, cà phê. Dưới chân đồi, vợ chồng bà Phạm Thị Lưu (sinh năm 1963) và ông Nguyễn Văn Ngọc (sinh năm 1960) niềm nở tiếp đón chúng tôi trong căn nhà khang trang nằm sát cạnh vườn cao su rộng bạt ngàn.

Vợ chồng bà Lưu quê ở phường Hiệp An (Kinh Môn). Năm 2001, vì cuộc sống khó khăn, không có việc làm nên vợ chồng bà gửi 2 con nhỏ nhờ người thân chăm sóc rồi vào Sông Hinh lập nghiệp. Hành trang mang theo ngoài ít vốn liếng vay mượn được thì chỉ có 2 con lợn nái. “Chỗ của nhà tôi bây giờ khi ấy toàn rừng cây rậm rạp, dưới đất cỏ tranh mọc kín, tìm mớ rau má ăn cũng khó. Khi đó nhìn thấy cảnh như vậy tâm trạng tôi như từ trên trời rơi xuống đất. Ông nhà tôi ra cuốc mấy nhát đất rồi bảo đất tốt lắm, chịu khó khai hoang thế nào cũng có cái ăn”, bà Lưu nhớ lại.

Vợ chồng bà Lưu mua được 10ha đất, dựng tạm ngôi nhà bằng cây rừng và cỏ tranh để an cư. Hằng ngày, ông phát rừng, bà đi phía sau dọn rễ cỏ tranh, làm luống trồng sắn, ngô, vừng. Khu vực gần suối thì mở diện tích cấy lúa. Ông Ngọc bảo ngày ấy không có rìu, phải dùng dao rựa phát cây cối, cỏ dại mà tay lúc nào cũng phồng rộp, rỉ máu. Song ông vẫn nhịn đau cùng vợ quyết tâm vượt qua đói nghèo. Diện tích rừng khai hoang đến đâu, màu xanh của ngô, sắn phủ kín tới đó. 8 tháng sau, đôi lợn giống sinh ra 9 chú lợn con mũm mĩm. Sự sống bắt đầu sinh sôi, cái ăn không còn thiếu, vợ chồng bà Lưu quay sang tìm hướng làm giàu.

Năm 2003, một dự án trồng cao su ở Sông Hinh được triển khai, vợ chồng bà Lưu nắm bắt cơ hội, xin hỗ trợ vay vốn để chuyển hướng làm ăn. 3 năm sau, 10 ha của gia đình được phủ kín cao su với hơn 5.000 gốc. Cây cao su lớn chậm, tiền vay ngân hàng đầu tư chăm sóc cao su mỗi năm lại thêm một khoản nhưng ông bà không nản lòng. “Đến năm 2010, nhà tôi mới được thu mẻ mủ cao su đầu tiên. Nhìn những giọt mủ cao su tuôn ra từ thân cây mà vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Khi ấy mỗi ngày chỉ thu được 2-3 thùng, mỗi thùng bán được mấy trăm nghìn mà đã thấy sướng lắm rồi”, ông Ngọc hồi tưởng.

Nhưng 2 năm sau cao su mất giá. Hầu hết bà con trong vùng phá sạch để chuyển sang trồng tiêu và cây ăn quả. Vợ chồng bà Lưu buồn bã, cũng định bụng chặt bỏ nhưng rồi tiếc công nên để lại. Mãi đến năm 2018, giá cao su mới tăng trở lại. Từ đó đến nay, mỗi tháng gia đình bà thu về 60-70 triệu đồng từ bán mủ cao su.

Vợ chồng bà Lưu đưa chúng tôi đi thăm vườn cao su rộng lớn. Đi hết vườn cao su, là vườn tiêu đang mùa hái quả, cách đó không xa còn có vườn trồng dừa, sầu riêng, na, mít, bưởi, quýt tốt tươi, xanh mướt mắt. “1.400 gốc tiêu, 1,5 ha cây ăn trái nữa, tất cả là của vợ chồng tôi đấy”, ông Ngọc khoe. 

Trên đường đi gặp các hộ dân người Hải Dương khác, anh Thuỳ cho biết người quê ta vào Sông Hinh từ khoảng năm 1990. Người dân luôn đi đầu, sáng tạo trong làm ăn kinh tế. Trong số các mô hình kinh tế điển hình của huyện có người Hải Dương. Những gia đình có điều kiện kinh tế, thu nhập tiền tỷ mỗi năm như vợ chồng bà Lưu, ông Ngọc không hiếm, một số người còn giàu hơn nhiều. 


Sau hàng chục năm lập nghiệp ở Sông Hinh, bà Phạm Thị Lưu và nhiều người dân Hải Dương đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Làm du lịch

Anh Thuỳ đưa chúng tôi đến tìm gặp ông Nguyễn Đức Huy Chu (sinh năm 1970) ở xã Ea Ly. Ông Chu quê xã Hoàng Tiến (Chí Linh)-một người nổi tiếng mạnh dạn làm ăn ở Sông Hinh. Lúc chúng tôi đến, ông Chu không có nhà, vợ ông bảo ông đang chỉ đạo xây dựng công trình dưới khu du lịch.
Sau một cuộc điện thoại, ông Chu về tận nhà đón chúng tôi xuống thăm khu du lịch của mình gần suối Ea Ly đang trong quá trình xây dựng. Điểm du lịch này rộng hơn 2 ha, chỉ cách quốc lộ 29 vài trăm mét. “Kia là nhà hàng tiệc cưới có sức chứa 700-800 người, đằng xa nữa là các chòi phục vụ khách du lịch về với Sông Hinh hoặc dừng chân… Dự kiến 3tháng nữa, khu du lịch này sẽ đưa vào khai thác”, ông Chu giới thiệu.

Ông Chu là một trong những người Hải Dương đầu tiên vào Sông Hinh lập nghiệp. Năm 1998, sau 5năm đóng quân ở Gia Lai, ông Chu ra quân, lấy vợ người Phú Yên rồi đưa cả gia đình lên Sông Hinh. Ban đầu ông mua 20 ha làm rẫy trồng ngô, sắn, sau chuyển sang trồng cao su, mía. Năm 2003, ông bán nương rẫy về thành lập doanh nghiệp chuyên san lấp mặt bằng, xây dựng. Có điều kiện, ông xây dựng một nhà nghỉ 5 tầng cạnh quốc lộ 29 để kinh doanh. Năm 2017, thấy đàn yến thường xuyên về trú ngụ, xây tổ trên nóc tầng 5, ông Chu nảy thêm nghề nuôi yến. Ông thuê chuyên gia ở TP Hồ Chí Minh ra giúp sức, một năm sau bắt đầu thu thành quả. Chi phí đầu tư nuôi yến không nhiều mà thu nhập lại cao. Năm ngoái gia đình ông thu lãi 300 triệu đồng từ yến, năm nay dự kiến còn nhiều hơn. Gia đình ông Chu hiện còn sản xuất yến sào mang thương hiệu “Yến sào Huy Chu” đã được đăng ký bản quyền.


Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn (ngoài cùng bên phải) khẳng định người Hải Dương có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương

Miền sơn cước Sông Hinh khí hậu mát mẻ, phong cảnh hữu tình. Mấy năm gần đây, lượng khách du lịch đến đây ngày một nhiều. “Trong làm ăn kinh tế luôn cần sự mạnh dạn và sáng tạo. Ở vùng đất này, ngoài tôi thì cũng có một số người Hải Dương khác có điều kiện cũng đang chuyển hướng sang làm du lịch”, ông Chu chia sẻ.

Ở Sông Hinh có điểm du lịch buôn Lê Diêm, khu du lịch sinh thái Thác H’ly, Eatrol... có núi, sông, thác, có ruộng đồng, được gắn trong một không gian văn hóa sinh động với cuộc sống thường ngày của người dân địa phương. Văn hóa ẩm thực nơi đây phong phú với các món ăn mang đậm hương vị Tây Nguyên như cơm lam, rượu cần, muối kiến vàng, bò một nắng, canh bồi rau rừng, canh lá sắn, nấm mối nấu ớt rừng... Một số người dân Hải Dương đã nắm bắt cơ hội này và bắt đầu hình thành khu nghỉ dưỡng, homestay để thu hút khách du lịch.

Hội Đồng hương Hải Dương ở huyện Sông Hinh thành lập năm 2002. Theo thống kê, toàn huyện có 35 gia đình người Hải Dương đang sinh sống, nhiều nhất ở Phú Yên. 100% số gia đình hội viên có cuộc sống khá giàu. Nhiều người dân Hải Dương thành đạt, giữ nhiều chức vụ trong cấp uỷ, chính quyền địa phương.

 BÌNH MINH - ÐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Người Hải Dương nơi miền sơn cước Sông Hinh