Danh nhân

Vị trạng nguyên người Hải Dương đánh bại thần cờ Trung Hoa

T.H (tổng hợp) 04/11/2024 11:01

Đây là một trong những nhân tài hiếm có của đất Việt, tài năng của ông khiến nhà Nguyên phải nể phục.

mac-dinh-chi.png
Mạc Đĩnh Chi được hoàng đế nhà Nguyên, nể phục khen ngợi là Lưỡng quốc trạng nguyên

Ông chính là Mạc Đĩnh Chi (1272- 1346), người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, Hải Đông (tỉnh Hải Dương hiện nay).

Mạc Đĩnh Chi bẩm sinh có tướng mạo xấu xí, nhưng bù lại rất thông minh, lanh lợi. Nhà nghèo, Đĩnh Chi không thể đến lớp cùng bè bạn mà chỉ đứng ngoài lớp học nghe thầy giảng bài. Đêm đến, không có đèn thắp sáng, cậu bé phải bắt đom đóm rồi cho vào vỏ quả trứng để có ánh sáng học bài.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1304 đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi, lấy 44 người đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu, chiếm học vị trạng nguyên, lúc này ông mới hơn 20 tuổi.

Tương truyền, khi ra mắt triều đình, vua thấy mặt mũi, thân hình ông xấu xí, không muốn cho đỗ trạng. Ông liền làm bài phú “Ngọc tỉnh liên” (Hoa sen trong giếng ngọc) để nói lên phẩm giá thanh cao của mình, dâng lên vua. Vua xem bài phú thấy rõ tài hoa, tư cách của ông nên cảm phục và cho đỗ trạng nguyên.

Mạc Đĩnh Chi được vua tin tưởng, giao cho đi sứ nước Nguyên hai lần. Những lần đi sứ, ông đều xuất sắc vượt qua mọi thử thách, khiến vua quan nhà Nguyên nể phục, phong ông là Lưỡng quốc trạng nguyên.

Trong một lần đi sứ, Mạc Đĩnh Chi cưỡi ngựa đi qua ngôi nhà có đề bảng “trạng cờ xứ Hoa”. Vốn là người mê cờ, Mạc Đĩnh Chi liền bước vào nhà thưa rằng là khách qua đường, xin nước để uống. Ông lân la hỏi thăm chủ nhà, khiến câu chuyện chuyển sang những lời bàn về cờ.

Chủ nhà vốn là tiến sĩ nhà Tống, khi quân Nguyên diệt nhà Tống, ông không muốn ra làm quan mà chỉ ngồi nhà thơ phú và chơi cờ. Lúc này Mạc Đĩnh Chi ngỏ ý muốn đánh một ván cờ.

Chủ nhà biết khách muốn thử tài mình, liền mang bộ cờ bằng sừng ra tiếp. Nhưng khách lại muốn bộ cờ bằng ngà voi. Chủ nhà bèn nói: “Bộ quân bằng ngà chỉ để tiếp vua mà thôi. Ngoài ra cũng chỉ tiếp những người hơn cờ tôi thôi. Nếu mang ra đánh, ngài thua cờ tôi thì sao?”

Mạc Đĩnh Chi bèn hứng thú nói: “Nếu tôi thua thì xin gửi lại ngài cái đầu, còn nếu tôi thắng thì chỉ xin ngài cái bảng treo chữ trạng cờ và bộ quân bằng ngà này”.

Hai người cùng đánh cờ, nhưng do tài nghệ đều siêu quần nên ván cờ kéo dài đến 3 ngày. Tối ngày thứ 3, Mạc Đĩnh Chi thấy cờ của mình núng thế, cũng đã tới giờ nghỉ nên ông xin ngừng ván cờ để sáng hôm sau đánh tiếp.

Đêm đó, Mạc Đĩnh Chi miên man suy nghĩ để tìm cách thoát khỏi thế khó. Ông dựng lại bàn cờ trong suy nghĩ và cuối cùng chợt phát hiện ra nước cờ. Sáng hôm sau, ông đi nước cờ quyết định, khiến chủ nhà thốt lên rằng: “Đúng là nước cờ thần, xin chịu thua ngài”.

Chủ nhà lấy bộ quân cờ bằng ngà voi và cái biển “trạng cờ xứ Hoa” trao lại Mạc Đĩnh Chi, nhưng ông từ chối không nhận, mà chỉ khuyên chủ nhà từ nay nên cất bảng trạng cờ kia đi. Câu chuyện này được gia phả họ Mạc ghi chép lại và được lưu truyền trong dân gian.

T.H (tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị trạng nguyên người Hải Dương đánh bại thần cờ Trung Hoa