Mặc dù Quốc hội Anh đã tạm ngừng hoạt động kể từ ngày 10.9.2019 do đề nghị “treo” Quốc hội của Thủ tướng Boris Johnson đã được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phê chuẩn.
Thủ tướng Boris Johnson sẽ rất khó để đưa Anh rời EU đúng hạn ngày 31.10 tới
Song, mục tiêu của các nghị sỹ Anh là thông qua đạo luật ngăn chặn kịch bản “Brexit không thỏa thuận” (hay Brexit “cứng”) thì đã trở thành hiện thực. Đồng thời, việc Quốc hội bác đề xuất bầu cử sớm của Thủ tướng Johnson được cho là sẽ càng “trói buộc” chặt hơn quyết tâm của Thủ tướng Johnson về việc đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc “so găng” tại Quốc hội
Kể từ khi lên thay nữ Thủ tướng Theresa May tiếp tục sứ mệnh dẫn dắt tiến trình Brexit (ngày 24.7.2019), ông Boris Johnson luôn khẳng định muốn đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà người tiền nhiệm Theresa May và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hồi tháng 11-2018 theo hướng thuyết phục EU loại bỏ điều khoản “chốt chặn” vốn gây bất đồng trên chính trường Anh thời gian qua.
Tuy nhiên, việc EU khẳng định lập trường sẽ không đàm phán lại thỏa thuận Brexit khiến cho tiến trình Brexit cứ bế tắc. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Johnson vẫn khẳng định chủ trương sẽ đưa Anh rời khỏi EU theo đúng thời hạn chót vào ngày 31.10 tới dù có hay không một thỏa thuận rời EU. Tuy nhiên, cách tiếp cận này của ông đã hứng nhiều chỉ trích.
Nhiều người trong và ngoài Quốc hội Anh cũng cho rằng, Brexit không thỏa thuận được coi như một viễn cảnh “cheo leo bên bờ vực” cần phải tránh bằng mọi giá bởi nếu ra đi không thỏa thuận sẽ gây tác hại nặng nề cho nước Anh. Các nghị sỹ Anh vì thế cũng tỏ rõ quyết tâm ngăn cản việc Thủ tướng Johnson đưa Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Nhằm ngăn chặn sự cản trở từ Quốc hội Anh, Thủ tướng Johnson đã đi một nước cờ mạo hiểm khi đề nghị tạm dừng hoạt động của Quốc hội Anh từ ngày 10.9 đến ngày 14.10 và đã được Nữ hoàng Elizabeth II chấp thuận.
Đây là một nước cờ đầy toan tính của ông khiến phe phản đối Brexit “cứng”, không có đủ thời gian để chuẩn bị những thủ tục cần thiết cho các bước đi tiếp theo khi các thành viên của Quốc hội quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Hè. Mặc dù vậy, nước cờ của Thủ tướng Johnson đã không thành công.
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Hè, ngày 3.9, với 328 phiếu thuận và 301 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua quyết định đưa dự luật ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận ra bỏ phiếu vào ngày 4.9.
Đáng chú ý là trong số 328 phiếu thuận trên, ngoài các nghị sỹ đảng đối lập, còn có 21 phiếu thuận của các nghị sỹ đảng Bảo thủ. Với 21 nghị sỹ chống đối này, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson đã chính thức mất thế đa số tại Hạ viện, gây bất lợi cho ông trong các cuộc bỏ phiếu tiếp theo.
Đây được xem là thất bại lớn đầu tiên của Thủ tướng Johnson kể từ khi nhậm chức, khiến ông Johnson quyết định khai trừ 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ trên.
Ngay sau thất bại này, Thủ tướng Anh đã kêu gọi các nghị sỹ ủng hộ tổng tuyển cử sớm vào ngày 15-10 vì cho rằng việc Hạ viện thông qua dự luật ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận đã “tước đi quyền quyết định muốn ở lại trong EU bao lâu của nước Anh và đã trao quyền này vào tay EU”. Ông cho rằng việc các nghị sĩ bỏ phiếu ngăn chặn Brexit không thỏa thuận sẽ làm hỏng vị thế của Anh khi ngồi vào bàn thương thảo với EU.
Mặc dù vậy, trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện ngày 4-9, Thủ tướng Johnson lại tiếp tục nhận thêm một thất bại nữa khi Hạ viện thông qua một dự luật buộc ông phải trì hoãn tiến trình Brexit thêm 3 tháng (đến 31.1.2020) nếu không đạt được một thỏa thuận mới với EU vào trước ngày 19-10, đồng thời cũng bác đề xuất tổng tuyển cử sớm vào ngày 15.10 tới của ông.
Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật ngăn chặn kịch bản Anh rời EU không thỏa thuận cũng đã được Thượng viện Anh thông qua vào ngày 6.9. Văn kiện trên sau đó đã được trình lên Nữ hoàng Elizabeth II ký ban hành thành luật vào ngày 9.9.
Tiếp sau đó, ngày 10.9, Hạ viện Anh tiếp tục bỏ phiếu lần thứ 2 bác bỏ đề xuất tiến hành bầu cử sớm của Thủ tướng Johnson. Tại đây, đề xuất bầu cử sớm của Thủ tướng Johnson chỉ nhận được 293 phiếu bầu, trong khi để được thông qua ông cần phải có được 434 phiếu ủng hộ, tức 2/3 số phiếu tại Hạ viện gồm 650 ghế.
Như vậy, cho đến nay, tất cả các ý tưởng của Thủ tướng Johnson đều không qua được “cửa ải” Quốc hội. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi lên nắm quyền, mớ “bòng bong” Brexit đã khiến ông liên tiếp hứng chịu những thất bại cay đắng trong sự nghiệp chính trị của mình. Có lẽ ông đã không thể lường trước được rào cản quá lớn từ Quốc hội Anh.
Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Johnson muốn tiến hành bầu cử sớm vì ông tin rằng kế hoạch Brexit “một mất một còn” của ông sẽ giúp ông giành được thế đa số trong Quốc hội.
Nhưng yêu cầu này của ông đã bị Quốc hội bác bỏ, và giờ đây ông Johnson đã còn rất ít sự lựa chọn. Kể cả nếu Thủ tướng Johnson có thể tổ chức bầu cử sớm vào thời điểm này, ông cũng khó giành được chiến thắng bởi với việc khai trừ 21 nghị sỹ đảng Bảo thủ, hiện tại ông Johnson đã mất đi thế đa số tại Quốc hội.
Mớ “bòng bong” chưa thể tháo gỡ
Sau khi đạo luật chống Brexit “cứng” đã chính thức có hiệu lực, về lý thuyết, ông Johnson vẫn còn cách để vô hiệu hóa đạo luật này như: chấp nhận vi phạm luật, không thực thi luật này và đối diện với khả năng bị kiện; hoặc tiếp tục kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử sớm với hi vọng giành lại được đa số phiếu trong Quốc hội.
Các nhà phân tích nhận định, khả năng ông Johnson chấp nhận vi phạm luật là không cao, bởi hiện tại ông đang phải tập trung thương lượng với EU tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới vào ngày 17 và 18.10 tới để đạt được thỏa thuận Brexit. Còn đề nghị tổng tuyển cử sớm của ông thì cũng đã bị Quốc hội bác bỏ, nhưng ông có thể sẽ vẫn cố gắng tiếp tục yêu cầu này, tuy nhiên khả năng được chấp nhận cũng là rất khó.
Trong khi đó, kịch bản tiếp tục xin EU gia hạn Brexit thêm 3 tháng theo đúng luật chống Brexit “cứng” đã được Nữ hoàng Anh ban hành ngày 9-9 vừa qua cũng được xem là rất khó khăn. Bởi chính phủ của Thủ tướng Johnson đến nay thì vẫn khẳng định không để kịch bản này dễ dàng xảy ra và chính ông Johnson cũng đã khẳng định sẽ không yêu cầu gia hạn Brexit. Trong khi đó phía EU cũng không thay đổi quan điểm trong thương lượng và cũng không đáp ứng yêu cầu gia hạn Brexit của chính phủ Anh.
Đến nay, EU vẫn khẳng định nếu Brexit không thỏa thuận xảy ra, đây sẽ là lựa chọn của nước Anh chứ không phải của EU. Điều này đặt Thủ tướng Anh Johnson vào tình trạng tương tự như bà Theresa May trước đây là phải tìm kiếm sự ủng hộ trong Quốc hội cho một thỏa thuận Brexit mới. Nhưng liệu ông Johnson có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn?
Theo các nhà phân tích, cơ hội cuối cùng để ông Johnson thúc đẩy chiến lược Brexit của mình hiện giờ chỉ còn trông chờ vào cuộc gặp tới đây của ông với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18.9 tới. Trong khi Thủ tướng Johnson vẫn khẳng định quyết tâm cao là sau hội nghị trên, ông sẽ đem về một thỏa thuận mới với EU vì lợi ích quốc gia, song khả năng này cũng được nhận định là không cao trong bối cảnh EU vẫn giữ nguyên quan điểm của khối này.
Nhưng kể cả trong trường hợp Thủ tướng Johnson đạt được một thỏa thuận mới với EU, ông cũng sẽ phải thuyết phục được sự ủng hộ của các đảng đối lập để thông qua thỏa thuận mới này. Nếu được Quốc hội Anh thông qua, nước Anh sẽ rời EU có thỏa thuận và suôn sẻ. Nhưng nếu không, các lựa chọn lại có nguy cơ quay trở về vạch xuất phát: Brexit không thỏa thuận; hoặc Brexit bị tạm hoãn; hoặc Brexit bị hủy bỏ; thậm chí Brexit lại được quyết định trong một cuộc trưng cầu ý dân khác nữa. Dù là kịch bản nào thì nước Anh vẫn đang đứng trước một tương lai bấp bênh và khó lường.
Theo TTXVN