Tết đến xuân về, mỗi gia đình làng quê Việt thường sửa sang cho ngôi nhà của mình khang trang, đẹp đẽ hơn.
Ngõ xóm được kết hoa chăng đèn đón Tết
Ngày nay, Tết về không chỉ nhà cửa mà từ cổng làng ngõ xóm cũng được kết hoa chăng đèn. Thực ra cổng ngõ không chỉ mùa xuân mới đẹp mà nó luôn đẹp trong tâm tưởng mỗi người. Ngõ, có ngõ làng, ngõ xóm và ngõ nhà. Nhưng ngõ xóm và cổng nhà thì thân thương hơn.
Quê tôi, đất đai chật hẹp nên dân cư sum vầy đông đúc. Những con ngõ dài mang bao kỷ niệm của người quê. Ngõ xóm thường sạch sẽ, râm mát hơn ngõ làng. Ngõ xóm tiễn bao cô gái xinh xắn của xóm đi lấy chồng xa mà lòng tôi mỗi khi nghĩ lại vẫn còn bâng khuâng.
"Em đi lấy chồng cả xóm nghèo đi". Không phải nhà thơ Phương Thảo viết được câu thơ ấy mà chính cái ngõ xóm đã cho nhà thơ câu thơ đầy cảm xúc!
Ngõ xóm nào trong làng dài rộng và rợp bóng cây thì trẻ con cả làng thường tập trung tới đó. Một sân chơi trẻ thơ với bao nét văn hóa làng truyền nối từ những bước đi nhảy lò cò để rồi tung cánh vào bầu trời rộng bao la...
Ngõ xóm, nơi khơi gợi bao ước vọng của trẻ thơ. Những con ngõ hay hàng rào mùng tơi đã đi vào thơ ca, nhạc họa: ''Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn". Những dậu mùng tơi hay dậu dâm bụt đẹp đến thơ ngây… Có những chiều quét ngõ chung cùng bạn gái nhà bên. Nhát chổi đưa thật chậm để ngắm nhìn nhau.
Ngõ xóm, những chiều hong tóc của các bà, các chị còn thơm lừng hương bưởi, chanh, sả mãi về đêm. Có những chiều, những nhát chổi đưa nhanh bởi ai nhanh thì quét được nhiều lá khô hơn. Ngày ấy lá khô cũng quý lắm. Có khi quét một con ngõ đã nấu được niêu cơm đất thơm ngon. Mùa xuân, gió đông ẩm ướt, bếp mái rạ trưa chiều nổi lửa đã thấy làng quê ấm no, thanh bình... Ngõ quê là những ao ước nhớ mong đến cháy lòng của những người bỏ quê lập nghiệp xứ người hay đi công tác xa mà ngày Tết không kịp về.
Ngõ quê còn là nơi đón bao dâu hiền rể thảo của các miền quê, trẻ con tranh nhau nhặt xác pháo lúc đón dâu. Có những con ngõ được xây gạch Bát Tràng theo quy ước của làng. Mỗi chàng rể lấy vợ ở làng phải góp gạch xây vài mét ngõ. Đó cũng là điều hạnh phúc mà các chàng rể về thăm quê vợ thường hãnh diện, tự hào. Từ ngõ xóm đến cổng nhà dài, ngắn khác nhau. Cổng nhà là nơi vận chuyển của cải ra vào của một gia đình nên rất quan trọng. Theo phong thủy, hướng cổng quyết định nhiều đến sức khỏe, may mắn, tài lộc của các thành viên trong mỗi gia đình. Cổng ngõ có biết bao kỷ niệm thân thương. Nơi đón mẹ đi chợ về, nơi tiễn cha đi công tác rồi anh đi chiến trường.
Cổng dài ngắn phụ thuộc vào từng đất đai mỗi gia đình. Ngày xưa cổng dài thường trồng cây thanh tảo hoặc cây hành dong trắng lá xanh da trời cảm giác mát mẻ vô cùng. Có những nhà nhiều tre thường cắm tre kiểu mắt cáo được quét vôi ngày Tết cũng rất đẹp. Thời ấy chưa có ô tô, xe máy nên cổng chỉ bé xíu. Những cánh cổng một bên không có bản lề mà làm trụ quay hoặc nhấc lên đưa ra đưa vào mỗi khi mở. Cũng có cánh cổng dựng ngược lên trời và chống bằng cột tre. Cánh cổng chủ yếu bằng tre, buộc bằng lạt hoặc dây mây nước. Đôi khi có nhà cánh cổng chỉ làm bằng một cành rào to kéo ngang nhìn thân thương biết bao. Nhìn cánh cổng ấy là biết chủ nhân không có nhà.
Ngày nay, ngõ xóm đổ bê tông rộng đến 3-4 m. Điện sáng trưng nên không còn nhìn thấy đom đóm bay lập lòe những mùa cuối xuân đầu hạ. Trong cổng mỗi nhà có những chậu hoa lạ mang nhiều màu sắc rực rỡ. Vòm cổng, những dàn hoa leo muôn sắc. Quê hương thật sự thay đổi, người làng tôi đã trồng hai bên đường ngõ xóm, ngõ làng đầy hoa thanh tảo tím, hoa móng tay đỏ rực và treo đèn lồng cùng ánh sáng đủ màu...
Tết về, nhìn cổng ngõ pha trộn nét văn hóa Á Âu không rõ vui buồn trong tâm tưởng. Khói bếp không còn, khi mà người ta đã nấu cơm bằng bếp ga, bếp điện. Những làn khói ô tô, xe máy và mùi của xăng dầu là khí thải bay trong không gian, ám cả những quả quất vàng xám làm lòng tôi bùi ngùi nhớ lại ngõ xưa, người xưa xiết bao!
NGUYỄN KHẮC HIỀN