Nghịch lý tăng ca

19/01/2022 08:11

Tăng giờ làm thêm giúp nhà máy giải quyết câu chuyện thiếu nhân công nhưng chuyên gia lo ngại sức khỏe người lao động suy giảm do không có thời gian phục hồi.

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết về tăng giờ làm thêm trong năm. Theo đề xuất này, số giờ làm thêm tối đa trong tháng từ 40 giờ tăng lên 72 giờ. Mức tối đa 300 giờ làm thêm trong năm được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do phía chủ và người lao động thỏa thuận.


Chị Nguyễn Thị Thảo nói chuyện với con trai khi tan giờ làm về phòng trọ. Ảnh: Lê Tuyết

Khi được hỏi ý kiến, chị Nguyễn Thị Thảo, 40 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH May mặc Thượng Đình (Hóc Môn), đồng tình với việc tăng ca bởi đây là giải pháp duy nhất giúp nữ công nhân có thêm thu nhập. Trước đó, gần 4 tháng TP Hồ Chí Minh giãn cách, chị gần như không có lương do nhà máy ngưng sản xuất.

Sau gần 6 năm gắn bó với công ty, mức lương căn bản mà chị Thảo nhận được mỗi tháng chỉ hơn 5 triệu đồng. Là mẹ đơn thân, phải gửi con cho ông bà ở Bến Tre nên cuộc sống của nữ công nhân càng chật vật. Đến kỳ nhận lương, việc đầu tiên của chị là chuyển ngay 2 triệu đồng về quê nuôi con, sau đó trả hơn một triệu đồng thuê trọ.

"Còn bao nhiêu mình ăn bấy nhiêu nhưng mỗi ngày không được quá trăm nghìn", chị Thảo giãi bày. Thế nên hôm nào tăng ca đến 20 giờ, chị sẽ tiết kiệm được thêm chút đỉnh vì ăn bữa tối ở nhà máy. Với nữ công nhân, "tăng ca dù mệt nhưng lợi nhiều đường".

Chị Thảo nhẩm tính tháng này làm thêm gần 30 giờ nên lương sẽ tăng được hơn một triệu đồng. Cuối tuần này, chị sẽ ra chợ đêm gần chỗ trọ mua mấy bộ quần áo mới cho con trai 12 tuổi đang ngóng mẹ về ăn Tết.

Trong khi chị Thảo đồng thuận thì chị Ngọc Bích, 41 tuổi, cùng công ty, lại đứng ngồi không yên mỗi lúc nghe nhà máy tăng ca vì vướng bận hai con nhỏ. "Nếu vợ chồng đều về trễ, các con phải tự kiếm mì gói ăn rồi đóng cửa phòng chờ bố mẹ", nữ công nhân nói. Theo chị, làm thêm giờ thường chỉ phù hợp với người độc thân hoặc con cái gửi về quê, lao động lớn tuổi khó "gồng" nổi khi phải ngồi liên tục 12 giờ.

Chị Bích nhớ lại giai đoạn hai con đi nhà trẻ. Ban đầu chị gửi trường công học phí thấp nhưng phải đón con trước 17 giờ. Nhưng để đáp ứng yêu cầu tăng ca của nhà máy, chị phải gửi con vào trường tư, nhận giữ ngoài giờ nhưng phải trả chi phí gấp đôi. "Mình không có quyền lựa chọn tăng ca hay không, công ty yêu cầu thì phải làm vì sản xuất theo chuyền", chị Bích nói.

Bà Nguyễn Thị Dân, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (khu vực phía Nam), cho rằng giảm giờ làm là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Số giờ làm ở trong nước nhiều năm qua cũng tăng dần. Cụ thể, theo quy định của Bộ Luật lao động ban hành năm 2012, thời gian làm thêm mỗi tháng không quá 30 giờ, đến năm 2019 đã tăng lên 40 giờ và hiện đề xuất không quá 72 giờ ở tất cả ngành nghề.

Bà Dân cho rằng quy định thời gian làm việc 8 tiếng mỗi ngày để bảo đảm người lao động có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Bởi sau khoảng thời gian này, sức khỏe, tâm trí của họ sẽ sa sút. Thế nhưng khi tiến hành hỏi ý kiến công nhân - lực lượng sản xuất trực tiếp, cơ quan chức năng luôn nhận được câu trả lời "muốn tăng ca". Bởi lương căn bản, thu nhập của nhóm này "quá thấp, không đủ sống".

Giữa tháng 10 năm ngoái, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra thông tin khi lấy ý kiến người lao động, hơn 80% công nhân đồng ý làm vượt trần quá 40 giờ mỗi tháng và đồng ý làm thêm 200-300 giờ mỗi năm. Công nhân chấp nhận làm thêm giờ bởi họ không có tích lũy, cuộc sống quá khó khăn, lương thấp.

Gắn bó lâu năm với ngành lao động, bà Dân nói rằng khi công nhân phải làm thêm giờ tức con cái của họ ít được gần cha mẹ, không được chăm sóc, bảo vệ. Tăng giờ làm thêm có thể đem đến hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, người lao động thêm chút thu nhập nhưng lại bỏ qua thế hệ kế tiếp là những đứa trẻ.


Công nhân nhà máy Quốc tế Phong Phú trong giờ sản xuất. Ảnh: An Phương

Trong khi đó, nhìn nhận tăng giờ làm thêm dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, ông Trần Tiến Phát, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Datalogic Việt Nam ở khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), cho rằng doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm không phải vì lợi nhuận hay mở rộng nhà xưởng, tuyển thêm người mà do đặc thù đơn hàng theo mùa vụ.

Có những thời điểm đơn hàng rất gấp vượt khả năng và công suất của nhà máy nhưng tháng sau đơn hàng lại giảm ngay. Đơn cử quý 4 là giai đoạn nước rút để giao hàng, người lao động có thể phải làm thêm mỗi ngày 4 giờ, tăng ca cả chủ nhật nhưng qua quý 1 năm sau thì gần như về quỹ đạo cũ. Doanh nghiệp không thể tuyển người vào làm lúc cao điểm rồi sau đó lại cắt giảm.

"Giảm một lao động không dễ chút nào", ông Phát nói và cho rằng phương án tối ưu là tăng ca, sử dụng nhân lực hiện có.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú (TP Thủ Đức), nói rằng từ lâu các hiệp hội ngành dệt may, da giày, thủy hải sản đều có ý kiến tăng giờ làm thêm, nâng mức trần mỗi tháng để đáp ứng đặc thù đơn hàng mùa cao điểm, thấp điểm.

Những lúc cao điểm, nhà máy phải tăng giờ làm mới hoàn thành đơn hàng đúng hạn, song quy định giới hạn thời gian làm thêm tối đa khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bà Liên cho hay mỗi một đơn hàng, đối tác yêu cầu thực hiện ở một nhà máy nhất định. Tuy nhiên, nhà máy đó đã tăng ca đủ 300 giờ, doanh nghiệp phải thương lượng để khách hàng duyệt thêm nhà máy hoặc đơn vị gia công khác.

Nhìn nhận tăng ca là cần thiết, nhưng theo bà Liên "phải trên tinh thần tự nguyện", nếu người lao động không muốn tham gia, nhà máy phải chấp nhận. Bởi cứ tăng ca miệt mài cả tháng trời sẽ làm công nhân mệt mỏi, năng suất lao động giảm, ảnh hưởng sức khỏe, đời sống cá nhân. Điều này dẫn tới nguy cơ người lao động dễ nghỉ việc.

Ông Trần Tiến Phát nói để người lao động chịu làm thêm giờ, nhà máy phải có chính sách chăm sóc tốt. Ở Datalogic, mỗi ca làm việc kéo dài 12 tiếng nhưng thực sự công nhân chỉ làm 10,5 tiếng, thời gian còn lại dành cho nghỉ ngơi. Ngoài bảo đảm 3 bữa ăn chính và một bữa ăn phụ, công ty bổ sung thêm sữa, vitamin và trả lương ngoài giờ 200%, cao hơn 50% so với quy định của luật.

Theo bà Dân, bối cảnh hiện nay tăng giờ làm thêm có thể góp phần phục hồi kinh tế sau dịch nhưng về lâu dài không nên bởi "đang đi ngược xu thế". Các nhà máy cần sắp xếp lại lao động, cải tiến dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Các bộ, ngành cần tính đến các giải pháp cải cách tiền lương, giúp công nhân sống được với thu nhập của 8 giờ làm theo quy định, thay vì thoả thuận tăng thời gian lao động.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghịch lý tăng ca