Những nghị quyết, chủ trương đúng, trúng, khi đi vào cuộc sống được nhân dân ủng hộ, chung sức, đồng lòng thực hiện đã mang lại 'quả ngọt', tạo ra sự đổi thay ở nhiều vùng quê Hải Dương.
Làng quê 'thông minh', văn minh
Thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang) nổi tiếng là ngôi làng có nhiều tiến sĩ thời phong kiến nhất cả nước. Đây còn là thôn tiêu biểu trong huy động sức dân xây dựng quê hương, cũng là "thôn thông minh".
Rất ít nơi có được những thiết chế văn hóa, thể thao đầy đủ, tươm tất như ở làng Mộ Trạch. Hầu hết các công trình đều được xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa.
Nhà làm việc của thôn khá bề thế nằm ngay cạnh đình làng uy nghiêm. Khi chúng tôi đến thăm, ông Vũ Đình Tam, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mộ Trạch cùng với một số người hoạt động không chuyên trách của thôn đang quan sát các khu vực trong thôn qua hệ thống camera giám sát an ninh.
Từ năm 2022, bằng nguồn lực xã hội hóa, thôn đã đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt hệ thống 30 camera giám sát an ninh ở các tuyến đường chính, khu vực công cộng. Ở trong thôn cũng có 3 địa điểm lắp đặt mạng wifi miễn phí phục vụ người dân.
Nhiều công việc trong thôn hiện đều được các cán bộ thôn trao đổi với nhau và thông tin với người dân qua các nhóm mạng xã hội. Thấy có người ở nơi khác đến thăm, bà Trần Thị Yến, bán hàng tạp hóa ở gần cổng đình làng Mộ Trạch khoe: “Từ khi có camera rất hiếm khi trong làng xảy ra trộm cắp. Nhà gần đình nên tôi cũng thường xuyên dùng wifi miễn phí của thôn và thấy rất nhanh”.
Trong hơn một năm trở lại đây, nhiều người đến các thôn, xóm ở huyện Thanh Miện, một huyện nông nghiệp ở Hải Dương cũng rất bất ngờ vì những đổi thay ở địa phương. Năm 2023, nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Miện xác định 1 công việc đột phá là huy động mọi nguồn lực tập trung nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông ở các thôn, khu dân cư. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, huyện chủ trương bố trí cho mỗi địa phương 1 tỷ đồng. Số tiền trên được dùng như "vốn mồi" để các xã, thị trấn xác định đoạn đường cần nâng cấp, xây dựng và huy động thêm nguồn lực xã hội hoá và nhân dân đóng góp để cùng làm.
Theo Ban Dân vận Huyện ủy Thanh Miện, riêng trong năm 2023, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, xây dựng hơn 33 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ xã hội hoá, người dân đóng góp chiếm trên 60% tổng mức đầu tư. Người dân trong huyện cũng đã hiến hơn 8.000 m2 đất phục vụ làm đường giao thông. Tính thêm số ngày công, công trình người dân tự tháo dỡ, tự bỏ kinh phí xây dựng lại thì nguồn lực từ xã hội hoá để làm đường giao thông trong huyện còn lớn hơn nhiều.
Cùng với chung sức mở đường, với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng, trong đó tiền từ ngân sách chỉ vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng, đến nay, hầu hết các thôn, khu dân cư ở Thanh Miện đều có các điểm công cộng được lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao. Cũng từ nguồn lực xã hội hoá, Thanh Miện là địa phương đi đầu hoàn thành việc di dời các cột điện ở lòng đường để người dân đi lại an toàn.
Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện chia sẻ: “Khi người dân thấy những chủ trương, nghị quyết mang lại lợi ích thiết thực cho họ thì việc khó mấy cũng làm được. Đường mở rộng sẽ hỗ trợ người dân thuận lợi hơn phát triển kinh tế, đất ở cũng tăng thêm giá trị. Với sự hăng hái của nhân dân ở nhiều nơi trong huyện, các tuyến đường vẫn tiếp tục được mở rộng, vượt cả tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”.
Nhà xanh, huyện sạch
Rác thải sinh hoạt của các gia đình được chuyển đến các bãi rác của các thôn. Trong khi đó, phần lớn các bãi rác đã lấp đầy dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Thậm chí, ở một số nơi, người dân thường xuyên phải sống chung với mùi độc hại từ việc đốt rác bừa bãi. Đó là tình trạng chung ở nhiều địa phương hiện nay nhưng ở Nam Sách thì vấn đề nan giải này đã là chuyện trước đây.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, ngày 22/3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Sách đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU về thực hiện phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. UBND huyện cũng ban hành kế hoạch thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn toàn huyện từ ngày 1/5/2022. Thực hiện phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được xác định là một nhiệm vụ đột phá của cả hệ thống chính trị ở huyện Nam Sách.
Với quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội trong huyện, đặc biệt là có sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, sau hơn 2 năm thực hiện, Nam Sách trở thành huyện đi đầu trong thực hiện phân loại, thu gom rác thải. Trước đây trong toàn huyện có 68 bãi chứa rác thải tập trung thì đến nay Nam Sách là địa phương đầu tiên trong tỉnh đã đóng cửa tất cả các bãi chôn lấp rác. 100% số hộ dân trong huyện thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ ngay tại nguồn. Rác thải vô cơ được vận chuyển đến nhà máy xử lý theo quy định.
Các bãi rác ở Nam Sách nay đã trở thành những vườn cây xanh tươi. Các tuyến đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, không có rác thải vứt bừa bãi, môi trường xanh, sạch, đẹp. Bà Đặng Thị Toán ở thôn Đồng Nghĩa, xã An Lâm (Nam Sách) chia sẻ: “Rác được phân loại tại nhà có rất nhiều lợi ích. Rác hữu cơ sau khi phân hủy thì chúng tôi dùng để trồng hoa, bón cây. Còn rác thải nhựa, phế liệu thì gom vào bán đồng nát để tham gia làm từ thiện theo mô hình "ngôi nhà xanh" của hội phụ nữ. Điều quan trọng nhất là nhà cửa, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ hơn rất nhiều”.
Thực tế ở Hải Dương cho thấy rằng cùng với “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát”, “dân thụ hưởng” đã và đang là mục tiêu quan trọng mà tỉnh quyết tâm, kiên định thực hiện.
Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh Hải Dương đã luôn quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả ngay trong từng bước của quá trình phát triển kinh tế- xã hội; không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; với tinh thần “tất cả cùng phát triển, cùng thụ hưởng” và “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết toàn hệ thống chính trị trong tỉnh đã luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Các chính sách luôn hướng tới chăm lo, bồi dưỡng và phát huy sức mạnh của toàn dân, lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho nhân dân; đồng thời luôn quan tâm lắng nghe và kịp thời xem xét, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
“Những chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn ở Hải Dương đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và luôn sẵn sàng hưởng ứng, đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Trung ương và của địa phương; biến những chủ trương, chính sách đó trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Điều đó cho thấy khi ý Đảng, lòng dân là một thì không nhiệm vụ nào không thể thực hiện, không khó khăn nào không thể vượt qua”, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Đức Tuấn nhấn mạnh.
Theo Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 của tỉnh ước đạt 9,31%, đứng thứ 11 cả nước và thứ tư vùng đồng bằng sông Hồng (sau TP Hải Phòng và các tỉnh Hà Nam, Nam Định). Trong 8 tháng, Hải Dương đã thu ngân sách nhà nước khu vực nội địa vượt dự toán cả năm.