Đời sống

Nghề nấu cỗ vào mùa

HẠNH DUYÊN - TUẤN ANH 02/12/2023 11:30

Nhiều năm trở lại đây, nghề nấu cỗ phát triển rầm rộ từ thành thị đến nông thôn. Từ tháng tám đến tháng ba âm lịch năm sau là mùa làm ăn chính của những người nấu cỗ thuê.

z4913330222006_9df75279ae1a64a37ad0c3867bf960c5.jpg
Để phục vụ một đám nấu cỗ chu đáo, những người làm nghề nấu cỗ phải chuẩn bị từ 1 - 2 ngày trước

Làm không hết việc

Cuối tuần trước, nhà anh Nguyễn Văn Linh ở đường Thanh Niên (TP Hải Dương) làm đám cúng 49 ngày cho bố. Do nhà neo người nên anh chọn thuê người nấu cỗ để tập trung lo tiếp đón khách và làm lễ chu đáo hơn.

Cũng do nhà không có người làm và muốn có những mâm cỗ ngon miệng nên ông Trần Văn Vinh ở khu 7, phường Tân Bình (TP Hải Dương) quyết định thuê người nấu cỗ trong đám cưới của con gái.

Bà Nguyễn Thị Ngọc là người nấu cỗ phục vụ đám cưới nhà ông Vinh. Với hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề với đội phục vụ 8 người, những đám lớn như vậy bà cũng có thể phục vụ chu đáo.

Theo bà Ngọc, dù có đơn đặt hàng quanh năm nhưng khi chưa vào mùa thì đơn hàng ít, nhỏ lẻ, chủ yếu là các đám giỗ, đám hiếu, tụ họp gia đình, sinh nhật… Bắt đầu từ tháng tám âm lịch trở đi, bà luôn làm không hết việc do thời điểm này bước vào mùa cưới, sang cát, liên hoan, tổng kết cuối năm...

“Hơn một tháng nay, tôi quay cuồng với công việc, gần như không có ngày nghỉ. Từ nấu cỗ đám hiếu, đám giỗ đến đám cưới, đám ít thì cũng 30-40 mâm, đám nhiều 65 mâm cỗ phụ ăn hôm trước, 140 mâm cỗ trong ngày cưới chính. Sau đám đó, tôi phải xoay sang lo cho một đám cưới khác cũng hơn 100 mâm nữa vào tuần sau. Vì sức khỏe nên tôi đã từ chối một đám giỗ nhỏ vào giữa tuần”, bà Ngọc cho biết.

z4913248835256_ce019a6948cb1ace8a467e244b37108e.jpg
Thời điểm này, nhiều người nấu cỗ luôn làm không hết việc

Cũng khoảng 2 tháng nay, nhà hàng Minh Trang ở phố Tiền Phong (TP Hải Dương) bước vào thời kỳ cao điểm làm ăn. Do đã tạo dựng được uy tín nên nhà hàng không chỉ phục vụ người dân trong tỉnh mà còn phục vụ cả các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội... Do đó, dù có đội ngũ gần 10 đầu bếp chính và 12-13 người phục vụ, phụ bếp nhưng nhà hàng cũng không thể nhận hết các đơn đặt hàng của khách.

“Thời điểm này chúng tôi không có ngày nào trống, thậm chí có những ngày nấu phục vụ vài đám liền”, chị Nguyễn Minh Trang, chủ nhà hàng cho biết.

Hiện nay, nghề nấu cỗ cũng phát triển mạnh ở vùng nông thôn. Chị Bùi Thị Hòa, một người làm nghề nấu cỗ ở thị trấn Thanh Hà cho biết, dịp này, cuối tuần nào chị cũng nhận đơn đặt hàng to, từ vài chục đến 100 mâm cỗ. Còn ngày thường chị đều có đơn hàng nhỏ 5-7 mâm. Chị và 3 nhân viên phải cố hết sức mới đáp ứng được đơn đặt hàng của khách.

Những ngày này, không chỉ những người chuyên nấu cỗ mặn bận rộn mà những người nấu cỗ chay phục vụ đám giỗ, đám sang cát cũng làm không hết việc.

Chị Nguyễn Minh Trang cho biết để làm tốt một đơn đặt hàng, toàn bộ nhân viên nhà hàng phải chuẩn bị trước đó vài ngày, từ nhặt rau, bóc hành, tỏi… đến sơ chế nguyên liệu nấu ăn. Ngày nấu chính, với những đám đặt cỗ với số lượng nhiều thì nhân viên phải đi làm từ 1-2 giờ đêm để chuẩn bị, nấu nướng cho kịp giờ.

Thu nhập khá

co1.jpg
Giá một mâm cỗ từ 700.000 -2 triệu đồng tùy số lượng, chất lượng món ăn

Hiện nay, người làm dịch vụ nấu cỗ phục vụ theo hai hình thức. Một là nhận nấu thuê. Với hình thức này, gia chủ chuẩn bị hết nguyên liệu nấu ăn, người nấu sẽ thu khoảng 80.000-90.000 đồng/mâm tiền công nấu.

Hình thức khác là nhận làm trọn gói, từ mua nguyên vật liệu, nấu nướng đến bày biện cỗ và dọn dẹp sau khi kết thúc công việc với giá từ khoảng 700.000-2 triệu đồng/mâm tùy món.

Dù làm theo hình thức nào, người nấu cũng sẽ tư vấn cho gia chủ lên thực đơn phù hợp với giá tiền, thị hiếu và lượng thực phẩm cần mua cho hợp lý.

Chị Trang cho biết, nghề này tuy vất vả nhưng thu nhập mang lại khá ổn định. Trong những tháng cao điểm, thu nhập của đầu bếp chính có thể lên đến 20-25 triệu đồng; phụ bếp, bưng bê cũng trên 10 triệu đồng/tháng.

“Thời điểm này, dù phải làm việc với cường độ cao hơn những tháng khác nhưng thu nhập của chúng tôi cũng vì thế cao hơn khá nhiều so với đi làm nông nghiệp”, chị Hòa nói.

z4913249008570_d4f597c8eb522f4911abe76478c54500.jpg
Trong những ngày cao điểm, nhiều người nấu cỗ phải thuê thêm nhân viên phục vụ, bưng bê với mức trả công 200.000-300.000 người/ngày

Không chỉ tạo việc làm và thu nhập khá cho những đầu bếp chính, trong những ngày cao điểm, ngoài nhân viên chuyên nghiệp, gắn bó lâu năm, nhiều người nấu cỗ cũng phải thuê thêm người làm tùy vào từng đám. Người phụ nấu được trả công 1-1,5 triệu đồng/đám, còn những người bưng bê, dọn dẹp từ 200.000 - 300.000 người/ngày.

Theo nhiều người nấu cỗ, để có thể làm ăn lâu dài và tạo dựng uy tín với khách hàng cần rất nhiều yếu tố. Họ phải thường xuyên cập nhật các món ăn mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Người nấu cỗ phải có kiến thức để tư vấn cho gia chủ lên thực đơn, mua thực phẩm phù hợp, tránh ít quá thì bị chê, nhiều quá gây lãng phí. Mgười làm nghề cũng phải biết trang trí mâm cỗ sao cho hấp dẫn, bắt mắt. Nhưng quan trọng hơn cả là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh để xảy ra tình trạng đáng tiếc trong các đám cỗ.

HẠNH DUYÊN - TUẤN ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề nấu cỗ vào mùa