Nghề làm hương ở Xuân Nẻo "hút" lao động

05/12/2011 17:40

Các cơ sở sản xuất hương trong thôn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng...

Thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) nổi danh là cái nôi của nghề thêu ren truyền thống. Những năm gần đây, nhiều người còn biết về vùng quê này bởi những nén hương thơm ngát, đang có mặt ở cả thị trường trong và ngoài nước... Về Xuân Nẻo vào thời điểm trước Tết Nhâm Thìn 2 tháng, đến thăm các xưởng sản xuất hương mới thấy được không khí lao động nhộn nhịp...

Như thành thông lệ, cứ vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, các hộ sản xuất hương ở thôn Xuân Nẻo lại đẩy mạnh sản xuất. Bởi đây là giai đoạn làm ăn quan trọng nhất trong năm. Mặc dù đã gần 11  giờ 30, nhưng không khí lao động tại xưởng sản xuất hương của gia đình anh Phạm Văn Nhật ở thôn Xuân Nẻo vẫn khá nhộn nhịp. Hơn 50 lao động làm việc tại đây mỗi người một nhiệm vụ: người trộn bột, người làm hương trên máy, người phơi hương, người đóng gói sản phẩm... Xen lẫn là tiếng nói cười rôm rả. Dẫn chúng tôi đi thăm khu xưởng, anh Nhật cho biết, gia đình anh chuyên sản xuất hương thẻ cung cấp cho thị trường trong nước. Đối với nghề làm hương, cuối năm bao giờ công việc cũng tất bật nhất. Giai đoạn này lực lượng lao động nông nhàn nhiều, thời tiết lại hanh khô, nắng đẹp, thuận lợi cho việc sản xuất hương. Vì thế, gia đình phải tranh thủ đẩy mạnh sản xuất để vừa có hàng xuất bán phục vụ thị trường Tết, vừa có hàng tích trữ để bán đầu năm sau. Những tháng đầu năm, đặc biệt là tháng giêng, tháng 2 trời thường có mưa phùn, độ ẩm không khí cao nên không thể sản xuất được hương. Cuối năm, nguồn nguyên liệu để làm hương như: bột bài, vị quế, nhựa trám, nhựa thau thường khan hiếm. Gia đình anh đã chủ động liên hệ với các bạn hàng ở Chí Linh, Quảng Ninh, Yên Bái... nhập hàng chục tấn nguyên liệu dự trữ. Do vậy, công nhân ở đây luôn có việc làm ổn định, xưởng cũng có đủ thành phẩm cung cấp cho bạn hàng theo đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, anh cũng đầu tư lắp đặt thêm 20 máy làm hương góp phần đẩy nhanh quá trình làm ra sản phẩm. Những que hương sau khi được hong (phơi) khô dưới nắng được đóng gói và đưa đi tiêu thụ. Giai đoạn này, bình quân mỗi ngày gia đình anh Nhật làm ra 70 thùng hương (mỗi thùng có 2 vạn que), gấp nhiều lần so với những tháng khác. Hiện gia đình anh đã đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hương "Nhật Hoa" và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận.

Cùng ở thôn Xuân Nẻo, xưởng sản xuất hương của gia đình anh Phạm Văn Ân thời điểm cuối năm cũng tấp nập người làm. Anh Ân cho hay, xưởng của anh có gần 50 lao động chuyên làm hương xuất khẩu sang Ấn Độ. Để bảo đảm thời gian giao hàng cho đối tác, gia đình anh tích cực vận động lao động nông nhàn vào làm việc cho xưởng. Ở xưởng sản xuất của anh, công nhân làm từ 8 - 9 tiếng/ngày, với mức thu nhập bình quân từ 70 - 100 nghìn đồng/người/ngày. Ước tính trong 2 tháng cuối năm, mỗi tháng anh xuất khẩu trên 200 thùng hương, doanh thu trên 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng thôn Xuân Nẻo cho biết, nghề làm hương ở Xuân Nẻo bắt đầu manh nha từ những năm 1992 - 1993. Khi đó, một số gia đình trong thôn đã tự tìm hiểu và làm hương theo phương pháp thủ công. Hiện nay, toàn xã có hơn 10 hộ làm hương, trong đó có 6 xưởng sản xuất với quy mô lớn, doanh thu mỗi năm đạt 300-500 triệu đồng. Từ chỗ chỉ phục vụ thị trường trong nước, nhiều gia đình đã sản xuất hương xuất khẩu. Các cơ sở sản xuất hương trong thôn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên theo ông Thiết, sản phẩm của một số xưởng sản xuất hương ở thôn Xuân Nẻo mặc dù đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền, nhưng trên thị trường trong và ngoài tỉnh vẫn trôi nổi các loại hương nhái nhãn mác, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín. Để các cơ sở sản xuất hương ở Xuân Nẻo yên tâm đầu tư sản xuất, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước, nhất là trong việc bảo vệ thương hiệu cho họ.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghề làm hương ở Xuân Nẻo "hút" lao động