Tháng tư, thời khắc giao mùa ùa về thật đường đột. Nó làm cho con người và cảnh sắc cùng như thoáng một chút ngỡ ngàng.
Mỗi khi bầu trời đang âm u với những cơn mưa phùn dai dẳng, với những tầng mây xám ngoét vần vũ giăng kín chợt loang ra, để lộ ra khoảng trời xanh thăm thẳm, những cơn gió hồ hởi thổi từng làn hơi nhẹ bẫng, còn nắng bỗng chợt rực rỡ chan hòa như những ánh hào quang rời rợi… thì ấy là lúc tháng tư về! Tháng tư, thời khắc giao mùa ùa về thật đường đột. Nó làm cho con người và cảnh sắc cùng như thoáng một chút ngỡ ngàng, thoáng một chút náo nức gợi mở khiến cho cả đất trời chợt thêm những nét tươi mới, xốn xang…
Tháng tư!… tháng có ngày sinh nhật của bố tôi, nhưng lúc còn sinh thời ông không bao giờ nhắc đến ngày này, cũng như tuyệt đối không cho con cháu bày ra tổ chức chúc tụng gì, vì ông bảo đó chỉ là ngày được ông bịa ra để ghi trên giấy tờ, bởi ngay đến cả bà nội tôi cũng không còn nhớ đã sinh bố tôi vào ngày nào. Thế nhưng, tháng tư năm nào cũng thế, nhà tôi luôn có một ngày đặc biệt, ngày 29/4.
Buổi hôm ấy nhà tôi sẽ có khách khứa đến nhà, có cỗ bàn, khói hương, đèn nến… và mọi thứ đều được diễn ra rất nghiêm cẩn, trang trọng. Và cái ngày ấy được bố tôi nửa đùa nửa thật giải thích với mọi người rằng, đó là ông làm giỗ cho cánh tay trái của mình đã mất đi nơi chiến trường. Nghe qua cái lý do như là sự khôi hài ấy ai cũng lấy làm vui vẻ, nhưng cũng không ít người đã ngạc nhiên, thậm chí cho rằng bố tôi là người lập dị. Nhưng trong cuộc sống, điều gì rồi cũng có những lý do riêng của nó. Bởi ít ai biết rằng, mỗi cuộc như vậy, dù bố tôi có đứng trước ban thờ lầm rầm khấn vái, nhưng ông không hề nhắc gì đến cánh tay đã mất đi của mình mà chỉ chầm chậm đọc tên những người bạn chiến đấu của ông đã không có may mắn được trở về.
Vào ngày đó, khách đến nhà đa phần là các đồng đội cũ của bố tôi từ chiến trường trở về. Một vài người với ống tay áo thõng buông vắt vẻo, với khuôn mặt nổi sần từng vết sẹo, với tiếng nạng gỗ khua lộp cộp thềm nhà… Nhưng nét mặt của họ vẫn tươi nguyên tình yêu cuộc sống, phong thái rất ung dung, thậm chí còn đầy vẻ phớt đời! Tiếp đó, những tiếng nói cười cứ vang lên không dứt. Những lời tâm sự nhỏ to quyện trong hơi khói thuốc lào khét nồng phả ra nghi ngút, trong nồng men rượu đế mềm môi… Những câu chuyện tâm tình rỉ rả, rút ruột rút gan. Họ kể với nhau về những công việc hằng ngày của mỗi người, về những vụ tôm vụ cá sắp đến kỳ thu hoạch, về chuyện con chuyện cháu… Rồi có cả những giọng kể với niềm hoan hỉ như chẳng thể vui hơn: “Này, con tao đang xây cho bố mẹ ngôi nhà mới, dễ mà khang trang nhất làng, hôm nào xong thì mời chúng mày sang". Rồi có khuôn mặt thoáng âu lo nhưng giấu giếm vẻ tự hào: “Thằng đích tôn nhà tao năm nay vào đại học, chắc bố mẹ nó sẽ phải bán đi vài tấn thóc mới đủ tiền cho con nhập trường”… Những người bạn của bố tôi cứ thế say sưa thả hồn vào những câu chuyện lan man bất tận, không đầu không cuối, nhưng thấy hiện rõ trong đó bao niềm tin và hy vọng, bao yêu thương, sâu lắng, bồi hồi… Và rồi cuối cùng thoáng nghe có tiếng thở dài lướt qua thật nhẹ: “Ôi, loáng cái thế là đã mấy mươi năm, dòng đời sao mà trôi nhanh thế! Không lẽ chúng mình đã già!?”…
Ít ai biết được rằng, bố tôi đã cố ý viện ra một cái cớ vu vơ như thế, với một mục đích rất chân thành là để cho những người thân, đồng đội, bạn hữu… của ông có cơ hội gác lại những lo toan tất bật của ngày thường để cùng đến gặp mặt nhau trong một ngày tháng tư ngợp nắng. Để rồi từ đó mọi người có cơ hội chuyện trò hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm của tháng xưa ngày cũ, cùng chia sẻ giãi bày với nhau những khó khăn, những buồn vui bình dị trong đời. Đương nhiên, làm được việc đó thì bố tôi là người vui nhất. Đơn giản vì ông thấy mình trở thành nơi để bạn bè đồng đội quy tụ lại bên nhau, rồi từ đó sẽ giúp mọi người có được mối giao hòa, sự gắn kết, quan tâm đến nhau hơn. Còn những người bạn của bố tôi thì cũng lấy đó làm niềm an ủi, sự hứng khởi, để xem như là một điểm tựa về tinh thần giúp nhau cùng bước đi trên những thăng trầm của đời người.
Giờ thì bố tôi đã về nơi an nghỉ vĩnh hằng. Đã gần chục năm rồi tháng tư ở gia đình tôi không còn ngày 29. Nhưng những dư âm từ bố tôi và các đồng đội của ông để lại luôn lắng đọng trong mỗi dịp tháng tư về với những ngày vàng nắng hiện hữu trong đời.
TRẦN HỒNG GIANG