Tản văn

Mầm của Tết

HẢI YẾN 8/02/2024 14:00

Những người đàn bà nhà quê chăm chút mầm Tết của mình như chăm trẻ, trông đợi Tết nứt nanh, Tết nảy mầm, Tết lớn lên từng ngày...

avatar1663653856174-16636538569611825791217.jpeg

Những người đàn bà làng tôi bao giờ cũng bắt tay vào gieo mầm cho Tết từ lúc tàn mùa thu.

Lúc ấy, trời chưa hết nắng, mây chưa hết xanh nhưng những cơn mưa rào muộn cuối cùng cũng đã bỏ đồng về với biển, bỏ lại trên lớp đất vườn sau, hiên trước, bên ao hay giáp bãi của mỗi nhà một lớp đất khô, màu bàng bạc mỗi ngày một chuyển thêm thành sắc trắng – màu đất cằn trong gió hanh.

Vườn nhà giao mùa, những luống rau mỗi ngày một cùn lụi màu xanh rồi bắt đầu trổ hoa mê mải. Hoa muống, hoa lang tím, hoa mồng tơi cũng tím. Chỉ có hoa dền là xanh hệt như cây bút tháp viết ngược lên trời. Vụ rau hè đã hết, vườn trả lại cho người nguyên cái đất bạc màu như giao mùa vụ trước, để những người đàn bà, sau cả ngày đồng áng lại cặm cụi xới vun, chăm bẵm đất từ đầu, chuẩn bị gieo lứa rau mới chờ Tết đến bằng mớ hạt giống nằm trong cái thúng con gác trên giàn bếp mỗi nhà. Mớ đậu đũa còn nguyên lớp vỏ khô màu bạc. Quả mướp ám đen bồ hóng, chỉ cần khẽ lắc cũng nghe tiếng hạt loạt xoạt giữa lòng xơ. Trái bầu vẫn đeo bên song cửa sổ, lóc cóc hát trong lòng nậm gỗ. Rồi hạt cải, hạt mùi bọc trong lá chuối khô hay cẩn thận hơn là cất trong chai sau khi trộn cùng tro bếp. Những người đàn bà nông dân học cách bảo quản hạt giống truyền đời rồi chắt chiu, gom góp, cẩn trọng gửi lên giàn bếp nhà mình những ấm áp, hi vọng cho tiếp nối mùa sau.

Mầm của Tết được gieo vào một ngày nào đó, không cố định bởi còn tùy theo kinh nghiệm và tùy theo thời tiết, nhưng chắc chắn phải là lúc tàn mùa thu. Những người đàn bà nhà quê chăm chút mầm Tết của mình như chăm trẻ, trông đợi Tết nứt nanh, Tết nảy mầm, Tết lớn lên từng ngày giữa tứ bề gió bấc, mưa phùn và sương muối. Rồi che chắn, rồi nước non, tưới tắm, rồi chăm bẵm phân gio, tỉa dày, dặm thưa, quẩn quanh suốt mùa chẳng mấy khi được ngẩng mặt lên nhìn thấy Tết đương nhón chân gần lại.

Tết của quê nghèo, dưới những mái bếp nghèo chỉ quẩn quanh bao đời chuyện ăn gì cho ấm bụng, thịt cá mỗi năm chỉ đôi ba dịp có nên cái no được bòn mót từ quanh quẩn vườn nhà và Tết cũng chắt chiu từ vườn mà lớn. Là những bắp cải, su hào, rau diếp, cải cúc, cải xanh. Là luống mùi, luống thì là. Và vườn nhà nào rộng hơn, dại nắng hơn thì thêm luống khoai tây, khoai lang, cà chua, đỗ xanh, đỗ đỏ. Rồi trong gió rét, vườn Tết mỗi lớn, mỗi chuyển màu. Từ xanh phấn thành xanh lục bảo, rồi thẫm xuống dần. Cho đến khi luống mùi, luống thì là bật li ti hoa trắng, hoa vàng thì bước Tết đã nghe gần, đã giục đem vườn về bên chái bếp, bắt đầu bằng vại su hào nén nguyên củ với mấy thân mía chẻ mới bẻ về từ cuối vườn. Cữ ấy cứ phải trước ngày rằm thì 29, 30 Tết su hào mới héo vừa đủ độ, nước trong thân củ vừa rút hết, vị ngọt của mía ngấm vào đủ giòn. Cái su hào ấy thái miếng nhỏ, trộn chút đường, thêm tỏi ớt bằm, ăn cùng cơm trắng cũng đủ thành bữa cơm Tết của lũ trẻ nghèo.

Rồi từ tầm hăm ba, ông Công ông Táo trở ra, Tết cứ về, hối hả. Sau vị mặn của vại su hào nén là vị ngọt của mứt vườn: mứt cà chua, khoai tây, khoai lang, bí đao, mứt táo hay mứt quất… Những người đàn bà cứ quay ra quay vào cái lối nhỏ giữa vườn và bếp mà nhặt nhạnh Tết từ mùa xuân trước để đem về cho xuân này trong bữa cơm tất niên có rổ rau sống nõn màu sương sớm, chén mắm thơm mùi ớt, đĩa khoai tây xào tỏi điểm mấy nhánh thì là, bát cà chua chưng hành lá và cả su hào xào khan với mỡ lợn đựng trong liễn sành treo trên cái quang dây... Trong khi lũ trẻ con ngóng ra cổng, chờ người đàn ông hay ai đó trong nhà đi đụng lợn từ đêm qua trở về xách theo mấy miếng thịt xiên bằng dây lạt, cắp cái rổ đựng xanh lòng lợn, nước xuýt sóng sánh thì những người đàn bà gieo mầm nuôi Tết ấy vẫn tất tưởi, quẩn quanh với lá dong, gạo đỗ, với nắm mùi già có những chùm quả xanh lẫn đôi tán bông li ti trắng, chuẩn bị những nồi nước tắm lá thơm để chồng con tẩy hết những gian lao, vất vả bốn mùa…

Những người đàn bà nhà quê của tôi bao nhiêu đời rồi vẫn thế. Vẫn tự tay nhặt nhạnh, cất giữ, ươm trồng những đợi chờ, háo hức suốt quanh năm để giữ một cái Tết nghèo nhưng nhớ thương thì ấm mãi.

Ơi quê cũ, ơi Tết cũ và những người đàn bà ngày cũ! Những hạt giống trên giàn bếp họ gieo gối mùa chờ Tết cứ mỗi heo may về lại cựa quậy nảy mầm trong kí ức, để đứa bé ngày xưa ấy vẫn thèm vụng, ước ao được trở về ngôi nhà ngói cũ giữa bóng cây có cái vườn nhỏ bên bờ ao, để được tiếp tục xới vun, được gieo mầm ươm Tết từ cuối những mùa sương.

HẢI YẾN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mầm của Tết