Sau khi tiến hành kiểm định gần 1 triệu liều vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi do Úc tài trợ tại Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, dự kiến ngày mai 14.4, tỉnh Quảng Ninh sẽ là tỉnh đầu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ.
Bộ Y tế thông tin về vấn đề tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Đây là thông tin được PGS.TS Dương Thị Hồng, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, chia sẻ tại cuộc họp báo thông tin về công tác tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Bộ Y tế sáng 13.4.
Theo bà Hồng, gần 1 triệu liều vắc xin COVID-19 đầu tiên do Chính phủ Úc tài trợ dành cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi về đến Việt Nam vào ngày 9.4. Sau quá trình kiểm định chất lượng, số vắc xin này sẽ được phân bổ đến các tỉnh, dự kiến ngày mai sẽ tiêm phòng cho trẻ tại tỉnh Quảng Ninh.
"Chúng tôi sẽ tiến hành tiêm cho trẻ lớp 6 trước, sau đó hạ dần độ tuổi tiêm. Hiện nay các cơ quan vẫn đang tiến hành việc mua vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Vì vậy việc phân bổ vắc xin sẽ được tính toán. Dự kiến sau khi tiêm chủng cho trẻ tại tỉnh Quảng Ninh sẽ tiêm cho trẻ tại Hà Nội và tuần sau sẽ phân bổ vắc xin đến các tỉnh trên toàn quốc", bà Hồng thông tin.
Khoảng 3,6 triệu trẻ mắc COVID-19 trì hoãn tiêm
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến nay trên cả nước có khoảng 11,8 triệu trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19.
Ông Lân chia sẻ: "Như vậy có khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 trong thời gian vừa qua. Với những trẻ đã mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm chủng cho đến 3 tháng sau khi âm tính. Như vậy, chúng tôi dự kiến đến tháng 7-8 sẽ hoàn thành tiêm chủng cho trẻ.
Hiện nay trên thế giới đã có 53 quốc gia tiến hành tiêm và có kế hoạch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đặc biệt là các nước phát triển. Còn tại Việt Nam, hiện theo khảo sát có khoảng 30% phụ huynh chưa đồng ý cho con tiêm phòng vắc xin COVID-19".
Bên cạnh việc trì hoãn tiêm cho trẻ đã mắc COVID-19, các chuyên gia cũng khuyến cáo nếu trẻ đang mắc các bệnh đường hô hấp, sức khỏe không ổn định cũng không nên tiêm vội. Theo bà Hồng, trước khi đi tiêm cho trẻ, phụ huynh cần theo dõi sức khỏe của trẻ có bất thường gì không. "Trẻ có những triệu chứng liên quan đến đường hô hấp, các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 thì phụ huynh không đưa trẻ đến điểm tiêm chủng. Trong trường hợp trẻ mắc các bệnh mãn tính, tiền sử dị ứng… cha mẹ cần thông tin trung thực với cán bộ y tế để được hướng dẫn tiêm chủng ở các điểm tiêm an toàn tuyến huyện, tỉnh.
Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều điểm tiêm chủng, tiêm định kỳ tại các điểm, vì vậy phụ huynh không cần lo lắng phải tiêm ngay cho trẻ", bà Hồng nhấn mạnh.
Trẻ cần hạn chế vận động mạnh sau khi tiêm
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi tiêm, trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút, sau đó về nhà theo dõi. Đặc biệt trong 3 ngày đầu sau khi tiêm chủng, cha mẹ và thầy cô cần quan sát, theo dõi trẻ thường xuyên.
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi trung ương: "Trong 3 ngày này, phụ huynh và giáo viên cần quan sát toàn trạng của trẻ, diễn biến sốt hay có thay đổi màu sắc da, niêm mạc mắt, trẻ có nổi ban hay không để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế chăm sóc.
Bên cạnh đó, yêu cầu giáo viên không tổ chức các môn học hay các hoạt động vận động mạnh, ví dụ hoạt động thể lực, chạy… trong các môn học. Điều này sẽ dễ gây nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm như tim đập nhanh, khó thở dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi".
Tiếp tục tiêm vắc xin cho người đã mắc COVID-19 Ngày 13.4, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tiêm vắc xin cho người đã mắc COVID-19. Bộ Y tế cho biết ngày 17.12.2021, Bộ Y tế ban hành công văn số 10722/BYT-DP về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Tiếp đó, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với các chuyên gia, các tổ chức quốc tế và các đơn vị về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người mắc COVID-19. Trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm triển khai tại các quốc gia và ý kiến của các chuyên gia, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 10722/BYT-DP. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19, thực hiện trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 3 tháng. Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ em đang đi học thuộc độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi để chuẩn bị triển khai tiêm chủng. Các nội dung khác thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 1535/BYT-DP ngày 28.3.2022 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. |
Theo Tuổi trẻ