Ngăn người giàu mua nhà ở xã hội

08/07/2023 13:43

Nhiều người có nghề tay trái cho thu nhập gấp hàng chục lần lương chính, có người gửi ngân hàng 40 - 50 tỉ đồng nhưng vẫn thuộc diện được mua nhà ở xã hội.


Khu nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vừa hoàn thành xây dựng được nhiều người lao động quan tâm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần có sự thay đổi về chính sách để tăng nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng thời có biện pháp ngăn chặn người có thu nhập cao tranh mua nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp.

Kiếm tiền tỉ vẫn thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh - cho biết tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng thực tế có tình trạng "người giàu" tranh suất mua nhà ở xã hội của những người có thu nhập thấp ở đô thị. Thậm chí có tình trạng "người giàu" thu nhập cao sở hữu các căn hộ nhà ở xã hội.

Lý giải nguyên nhân tình trạng này, theo ông Châu, có một phần do các tiêu chí để được mua nhà ở xã hội hiện nay tưởng chừng chặt chẽ nhưng thực tế có thể "lách luật". Một trong số đó là các tiêu chí điều kiện về thu nhập của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Cụ thể, tại Luật Nhà ở 2014 quy định người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều người làm thêm nghề "tay trái" nhưng lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề chính thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức.

Do đó, có một số người thu nhập cao nhưng vì luật không tính các khoản thu nhập khác không phải tiền công, tiền lương, dẫn đến họ vẫn hội đủ tiêu chí điều kiện về thu nhập, đó là không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân đối với 16 trường hợp. Trong đó, thu nhập từ tiền lãi ngân hàng hoặc tiền kiều hối.

Đối với khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm của người nghỉ hưu, già yếu, mất sức lao động hoặc số tiền kiều hối có giá trị không lớn để cải thiện cuộc sống thì quy định miễn thuế thu nhập cá nhân rất chính xác và thể hiện sự nhân văn. Nhưng sẽ không hợp lý khi miễn, không đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập rất lớn từ lãi tiền gửi tiết kiệm hoặc từ kiều hối.

Ông Châu dẫn ví dụ có trường hợp gửi tiền ngân hàng với số tiền rất lớn, khoảng 40 - 50 tỉ đồng với lãi suất khoảng 7%/năm, đến cuối năm người này nhận được lãi vài tỉ đồng. Đây là một số tiền rất lớn nhưng không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân và nghiễm nhiên họ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội.

Từ đó, ông Châu đề nghị ngoài điều kiện về thu nhập với đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội không thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 của các bậc chịu thuế, cần bổ sung thu nhập chịu thuế còn bao gồm các khoản thu nhập khác không phải là tiền công, tiền lương.

Bên cạnh đó, cần sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định các trường hợp miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng hoặc thu nhập từ kiều hối.

Theo ông Châu, cũng chỉ đến khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 của Chính phủ thì lúc đó việc xác nhận điều kiện về nhà ở và điều kiện về thu nhập mới chính xác được.


Người dân sinh hoạt cộng đồng tại khu nhà ở xã hội trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: TỰ TRUNG

Quản lý các dòng thu nhập cá nhân

Đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) cho rằng quy định người được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân là đúng. Đây cũng không phải là "lỗ hổng" chính sách.

Theo ông Thành, "lỗ hổng" lớn nhất chính là việc chưa quản lý được thu nhập thực tế của người dân nói chung và người thuộc diện mua nhà ở nói riêng. Có những khoản thu nhập chúng ta quản lý được như tiền công, tiền lương và từ khoản thu nhập này xác định họ là người có thu nhập thấp.

"Còn những khoản khác, thu nhập ngoài do không quản lý được nên không thể xác định được tổng thu nhập của họ, cũng như đây có đúng là người có thu nhập thấp hay không. Vì vậy, mấu chốt ở đây là phải có các biện pháp, chính sách để kiểm soát, quản lý được tổng thu nhập của người dân. Việc này không chỉ có ý nghĩa với vấn đề mua nhà ở xã hội mà còn là quản lý xã hội, chống thất thu thuế nói chung", ông Thành nêu rõ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) cũng chỉ rõ trong thời gian tới, cần làm tốt hơn công tác quản lý về thuế thu nhập cá nhân. Tất cả các hoạt động kinh doanh đều có khai báo thuế hay làm thêm bên ngoài do các tổ chức, đơn vị chi trả thì người trả tiền đều phải khai báo thuế tại nguồn.

Ông đề nghị việc quản lý thu thuế, lịch sử nộp thuế không chỉ với người làm việc ở các tổ chức, cơ quan - nơi có hợp đồng ký kết chính thức, mà cần mở rộng đến tất cả những người đã nhận các khoản thu nhập không thường xuyên.

"Quan trọng nhất phải có chính sách, cơ chế đủ mạnh để có thể quản lý được tất cả những ai có tên trong khu vực phải đóng thuế", ông Cường nói.

Theo ông Cường, cần tăng cường việc quản lý, thông tin công khai hệ thống đăng ký về nhà ở, đất ở để xác định rõ lịch sử người này có nhà, có mua bán nhà không. Từ đó ngăn chặn những trường hợp cố tình "gian lận".

Kèm theo đó, phải có chế tài xử lý rất nghiêm minh bằng tiền hoặc thu hồi nhà, tài sản đối với những trường hợp không phải thu nhập thấp nhưng lại "chen" vào ở nhà ở xã hội.


Người lao động sinh sống trong căn nhà trọ nhỏ hẹp luôn ước mong có thể mua được căn nhà ở xã hội có giá phù hợp với lương công nhân - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Bắt đầu giải ngân gói vay 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đến nay liên quan đến gói vay 120.000 tỉ đồng, đã nhận được ba công văn công bố 15 dự án của các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó có năm dự án đã được cấp phép xây dựng.

Ngoài ra, có ba địa phương là Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu đã công bố chín dự án. Các địa phương cấp phép xây dựng các dự án cũng sẵn sàng được các tổ chức tín dụng cho vay. Đến nay đã có một số ngân hàng như BIDV, Agribank đã bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đã triển khai từ đầu tháng 4 nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% lãi suất cho vay trung và dài hạn trên thị trường.

Chế tài đủ mạnh

Tôi tin chắc rằng nếu như có một cuộc tổng điều tra với những căn nhà ở xã hội đã bàn giao bây giờ thì số lượng người ở không đúng đối tượng rất nhiều.

Thậm chí theo tôi được biết có những khu nhà ở xã hội mà chưa hoàn thiện, chưa bàn giao hết nhưng đã có rao bán rất nhiều trên mạng xã hội. Những đối tượng rao bán nhà ở xã hội cũng hoàn toàn không phải là đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Vấn đề này khiến tôi rất băn khoăn là công tác quản lý của chúng ta như thế nào khi chúng ta rất thiếu nhà ở xã hội dành cho những đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng với những đối tượng đấy, có khi nhà ở xã hội lại không đến tay họ mà những đối tượng mua lại là đối tượng khác.

Tôi đề nghị cần rà soát hành lang pháp lý làm sao cho thực sự chặt chẽ, chế tài đủ mạnh và công tác hậu kiểm.

Đại biểuNGUYỄN THỊ VIỆT NGA (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục)

Hàng trăm ngàn căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp báo cáo của 60/63 địa phương, đến nay đã có 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với tổng diện tích đất hơn 1.983ha.

Về dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đến nay cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000m2.

Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư) với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000m2.

Cần thay đổi chiến lược phát triển nhà ở xã hội


Công trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân trên đường Võ Chí Công, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: T.T.D.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, phải xác định mục tiêu người thu nhập thấp có chỗ ở chứ không phải sở hữu một căn hộ riêng. Do đó, nên phân định thành hai nhóm nhà ở xã hội, tạo nguồn cung.

Nhóm thứ nhất là nhà ở xã hội đúng nghĩa dành cho những người có thu nhập thấp, yếu thế, không thể có khả năng trang trải về chỗ ở. Nhu cầu của đối tượng này cần phải đáp ứng chỗ ở chứ không phải nhà ở. Vì vậy, cần đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội dành cho thuê với mức thuê rất thấp.

Nhóm thứ hai là xây dựng, phát triển thị trường loại nhà ở giá thấp để dành bán cho những người có thu nhập không cao. Giá thấp ở đây có nghĩa là các chi phí cấu thành không cao như các thiết bị trong căn hộ gồm thiết bị vệ sinh, cửa... chứ không phải là kém chất lượng hay không bảo đảm an toàn...

Tiêu chuẩn của loại nhà này cũng phải được thiết kế để không phù hợp với những người thu nhập cao. Như quy mô về diện tích, dịch vụ, hạ tầng... cũng ở mức hạn chế hơn và giá dịch vụ cũng thấp hơn. Cùng với đó cần đưa ra các tiêu chuẩn rất chặt chẽ, khống chế các đối tượng mua bán những khu nhà ở giá thấp này.

Còn theo nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, hiện nay đã có nguyên tắc xét duyệt nhà ở xã hội nhưng quy định nhóm đối tượng còn khá chung chung là thu nhập không phải đóng thuế thu nhập thường xuyên.

Tuy nhiên, nhóm đối tượng này rất nhiều trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội khá khiêm tốn. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh nên xây dựng tiêu chí đủ điều kiện đăng ký nhà ở xã hội, xác định các nhóm đối tượng ưu tiên trước, sau theo các tiêu chí nên xuất phát từ thu nhập, nhân khẩu học và đã sở hữu nhà ở xã hội hay chưa.

Thành phố cần khuyến khích và tạo điều kiện để xã hội hóa lĩnh vực nhà ở xã hội. Khi xã hội hóa được thì sẽ đa dạng được nguồn cung và đáp ứng đa dạng nhiều loại hình nhà ở phù hợp với những nhóm đối tượng khác nhau.

Bên cạnh đó, kế hoạch phát triển nên xem xét đến vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thuê. Chính sách cho thuê cũng cần được xây dựng cụ thể, rõ ràng về nhóm đối tượng, hình thức và thời gian thuê. Việc cho thuê nhà ở xã hội nên cần tách biệt rõ với thuê nhà ở thị trường bằng các hình thức một cách linh hoạt như cho thuê dài hạn.

Đối với những người dân có thu nhập thấp hiện nay việc sở hữu nhà ở xã hội dường như rất khó nếu như không có sự hỗ trợ từ chính quyền. Nhóm tác giả đề xuất "Chính sách nhà ở tiếp sức" linh hoạt cho nhiều nhóm đối tượng ở các thời điểm khác nhau. nhà ở xã hội sẽ có những mức giá khác nhau phù hợp với những nhóm đối tượng khác nhau.

Khi một hộ gia đình có thu nhập được cải thiện nên khuyến khích họ chuyển đến khu nhà ở xã hội phù hợp hơn. Căn hộ đó sẽ được bán lại cho chủ đầu tư và sẽ là nơi cư ngụ mới cho những hộ có thu nhập thấp hơn.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn người giàu mua nhà ở xã hội