Ngân hàng nhà nước tìm cách “bịt cửa” cho vay bất động sản trá hình

27/06/2022 22:15

Thời gian qua, một số tổ chức tín dụng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, điều này tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản...

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến bổ sung nhiều quy định nhằm hạn chế hoạt động cho vay liên quan tới việc sử dụng vốn vay tiêu dùng, sinh hoạt liên quan như một dạng trá hình đến bất động sản, nhằm kiểm soát rủi ro.

Cụ thể, số liệu thống kê từ cơ quan này cho biết, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức khoảng 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,44% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản ước 800.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ tín dụng.

Qua đó, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy, một số tổ chức tín dụng cho khách hàng cá nhân vay với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản.

Vì vậy, để kiểm soát rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản, cơ quan quản lý cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... đối với các khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà.

Ngoài ra, cũng tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước dự kiến bổ sung một loạt nhu cầu vốn mà các ngân hàng không được phép cho vay. Trong đó, các ngân hàng không được cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch dân sự với bên thứ ba.

Không được cho vay góp vốn hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành vốn điều lệ hoặc không hình thành vốn điều lệ; không cho vay nhận chuyển nhượng vốn góp; không cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch tương lai chưa đủ điều kiện; không cho vay bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.

Nêu quan điểm về dự thảo này, Hiệp hội Bất động sản Tp.Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng Dự thảo Thông tư 39 chủ yếu hướng tới việc kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của khách hàng vay và kiểm soát rủi ro tín dụng.

HoREA cho rằng việc bổ sung quy định tổ chức tín dụng “không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật (trích dự thảo thông tư )” là cần thiết.

Theo tổ chức này, dự thảo thông tư vẫn cho phép tổ chức tín dụng cho vay để “thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc có đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật”, nên các doanh nghiệp bất động sản làm ăn đàng hoàng, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật thì không bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai hội đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc.

Thêm vào đó, tổ chức tín dụng chỉ không được cho vay để “thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai” như các trường hợp phân lô bán nền trái phép; hoặc các dự án nhà chung cư chưa xây dựng xong phần móng, chưa hội đủ các điều kiện để được huy động vốn theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 về “điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh” và Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 còn quy định: “chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính”.

Tuy nhiên, cũng theo HoREA, để kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay tín dụng thì cần phải dựa vào các yếu tố như năng lực chủ thể của khách hàng vay; năng lực tài chính/năng lực trả nợ của khách hàng vay; tài sản bảo đảm của khách hàng vay; lịch sử tín dụng/uy tín của khách hàng vay; các điều kiện tín dụng của khoản vay.

Do vậy, việc kiểm soát nhu cầu vốn thông qua biện pháp không được cho vay tín dụng chỉ nên quy định trong ba trường hợp.

Một là, nhu cầu vốn cho các mục đích mà pháp luật cấm, ví dụ như mua bán vũ khí, ma túy, buôn lậu;

Hai là, nhu cầu vốn cho các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, ví dụ như mua bán vàng miếng;

Ba là, nhu cầu vốn để đảo nợ hoặc nhằm mục đích che giấu nợ quá hạn/nợ xấu.

“Đối với các ngành nghề không khuyến khích cho vay thì chỉ yêu cầu áp dụng các điều kiện tín dụng khắt khe hơn để hạn chế tín dụng, ví dụ như giới hạn tỷ lệ cho vay/tài sản bảo đảm; giới hạn về tỷ lệ cho vay/tổng dư nợ… Đối với khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt, có tài sản bảo đảm tốt, thanh khoản cao, pháp lý đầy đủ thì tài sản đó cũng được xem là nguồn lực tài chính của khách hàng như là vốn tự có, vốn đối ứng, ứng trước của khách hàng trong dự án/phương án vay vốn”, đại diện HoREA nhấn mạnh.

Theo VnEconomy

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngân hàng nhà nước tìm cách “bịt cửa” cho vay bất động sản trá hình