Ngăn chặn tiêu cực trong xét tuyển giáo viên

05/11/2019 06:18

Đợt xét tuyển giáo viên cuối năm nay là niềm mong mỏi của hàng nghìn giáo viên hợp đồng sau nhiều năm thấp thỏm chờ đợi.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc xác định đối tượng xét tuyển là giáo viên đang làm hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định, làm công tác giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập trong tỉnh từ ngày 31.12. 2015 trở về trước, trong chỉ tiêu biên chế và được cấp có thẩm quyền tuyển dụng cho phép ký hợp đồng lao động. Cách làm trên đã ghi nhận những đóng góp, cống hiến của đội ngũ giáo viên hợp đồng, những người nhiều năm chịu thiệt thòi để gắn bó với trường lớp.

Lâu nay tuyển dụng viên chức, nhất là tuyển dụng giáo viên vẫn được xem là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Đây là thực tế khó tránh khi lượng “cung” luôn lớn hơn “cầu” và trong bối cảnh có sự chênh lệch đáng kể về chế độ giữa giáo viên hợp đồng với giáo viên trong biên chế như hiện nay.

Theo kế hoạch của tỉnh, việc xét tuyển được chia thành 2 vòng. Vòng 1 sẽ kiểm tra đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký tại phiếu đăng ký dự xét tuyển giáo viên theo yêu cầu vị trí việc làm cần xét tuyển. Vòng 2 sẽ phỏng vấn để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người dự xét tuyển trong thời gian 30 phút.

Lẽ dĩ nhiên, người dự tuyển phải vượt qua được vòng 1 mới có thể tham gia ở vòng 2. Như vậy, điều kiện cần để được xét tuyển chủ yếu ở thời điểm được ký hợp đồng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và quan trọng là giáo viên thuộc diện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao. Điều kiện đủ là năng lực chuyên môn. 

Vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm được tính khách quan, minh bạch, dân chủ và đánh giá chính xác năng lực của người dự tuyển. Đối với giáo viên đã tham gia giảng dạy nhiều năm thì năng lực làm việc thể hiện qua kết quả công tác từng năm, được học trò, phụ huynh và đồng nghiệp ghi nhận.

Nếu chỉ căn cứ vào kết quả trả lời phỏng vấn trong 30 phút e là chưa đầy đủ, nhất là việc thẩm định câu trả lời phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người hỏi và lại không được phúc khảo. Ngay cả khâu xét tuyển hồ sơ, nếu không cẩn trọng cũng rất dễ phát sinh tiêu cực. UBND huyện Nam Sách đã phải ra văn bản chỉ đạo tránh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hướng dẫn, tuyên truyền việc tuyển dụng gây hoang mang cho người dự tuyển nhằm trục lợi cá nhân. 

Nhìn vào con số hơn 2.000 chỉ tiêu giáo viên được xét tuyển biên chế đợt này và số lượng giáo viên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của nhiều địa phương, có thể thấy mức độ cạnh tranh của kỳ xét tuyển không lớn. Tuy nhiên, để ngăn chặn tiêu cực, mọi thông tin cần được minh bạch và công khai rộng rãi.

Ngoài các tiêu chí để tính điểm ưu tiên theo quy định của pháp luật, nên xét các yếu tố để cộng điểm như thâm niên công tác, các thành tích trong quá trình giảng dạy… Hội đồng xét tuyển nên bố trí người có năng lực, bảo đảm tính khách quan đối với người dự tuyển. Quan trọng hơn cả, có phương pháp đánh giá phù hợp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là chọn được người có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực giảng dạy để đưa vào biên chế ngành giáo dục. 

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn tiêu cực trong xét tuyển giáo viên