Nga thử nghiệm loại đạn pháo mới nhất dành cho pháo tự hành

25/01/2021 09:02

Nga sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm sơ bộ đối với mẫu thử nghiệm đạn phân mảnh nổ cao có điều khiển 152mm 3OF95.


Đạn lựu pháo dẫn đường mới nhất sẽ được thử nghiệm ở Nga

Nga có kế hoạch thử nghiệm loại đạn pháo 152mm dẫn đường mới nhất dành cho pháo tự hành.

Theo tài liệu đăng trên trang web mua sắm của Chính phủ Nga, nước này sẽ thực hiện các cuộc thử nghiệm sơ bộ đối với mẫu thử nghiệm đạn phân mảnh nổ cao có điều khiển 152mm 3OF95.

Cuộc thử nghiệm dự kiến diễn ra ở một thao trường thuộc tỉnh Nizhny Novgorod từ các xe pháo tự hành Msta-B và D-20, cũng như các pháo tự hành Akatsiya và Msta-S.

Một nguồn tin cho hay đạn pháo mới sẽ nhận được một số biến thể đầu đạn tự dẫn đường, cũng như tích hợp hệ thống định vị quán tính và vệ tinh.

Hiện công việc đang được tiến hành để tạo ra toàn bộ dòng đạn có khả năng dẫn đường với độ chính xác cao mới với tầm bắn xa hơn, kể cả sử dụng cho tổ hợp pháo Coalition-SV.

Trước đó, truyền thông Nga đã đưa tin về loại đạn Krasnopol-D có tầm bắn lên tới 43km.

Nga hiện đang sử dụng một số loại đạn pháo dẫn đường cho xe tăng và pháo tự hành. Cụ thể, pháo tự hành sử dụng đạn Krasnopol có khả năng bắn trúng mục tiêu với độ chính xác cao ở cự ly tới 25km. Loại đạn này đã được sử dụng ở Syria để tiêu diệt khủng bố.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng có kế hoạch mua hàng loạt hệ thống robot đa chức năng phục vụ nhu cầu của quân đội trong năm nay. Đó là các thiết bị điều khiển từ xa để rà phá bom mìn Uran-6 và dập lửa Uran-14.

Hiện 15 robot công binh rà phá bom mìn và 7 robot cứu hỏa đang hiện diện trong phiên chế quân đội Nga.

Báo Izvestia (Tin tức) của Nga đưa tin, dự kiến, Bộ Quốc phòng Nga sẽ cung cấp thêm 37 robot loại này cho các đơn vị công binh trong năm nay.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định trang bị robot không chỉ cho các đơn vị công binh của lục quân mà cả hải quân.

Nga bắt đầu tăng cường sử dụng các robot đa chức năng trong quân đội từ năm 2020.

Theo chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky, robot cũng có thể được sử dụng để chọc thủng hệ thống phòng thủ và tiền đồn của đối phương. Tuy nhiên, cho đến nay, robot chỉ giới hạn ở các nhiệm vụ hỗ trợ - không sử dụng vũ khí và không hoạt động tự chủ.

Robot có thể được điều khiển bằng liên lạc vô tuyến, cả khi ở gần và ở khoảng cách lên đến 1km.

Việc mua sắm những robot như vậy sẽ không chỉ đảm bảo an toàn cho binh lính mà còn tăng tốc độ và hiệu quả rà phá bom mìn và dập lửa tại các cơ sở nguy hiểm./.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nga thử nghiệm loại đạn pháo mới nhất dành cho pháo tự hành