Nét đẹp Trung thu truyền thống ở thị trấn Cẩm Giàng

13/09/2019 10:15

Ở thị trấn Cẩm Giàng, cách Tết Trung thu khoảng 1 tháng, các đội múa đã tự làm lân, tổ chức múa lân miễn phí mỗi dịp cuối tuần. Đến đúng rằm tháng tám, nhiều hộ dân treo cao phần thưởng để lân trèo lên lấy...


Tiết mục múa lân được nhiều người dân thị trấn Cẩm Giàng yêu thích

Tự làm lân

Đội múa lân của anh Nguyễn Đức Chỉnh (sinh năm 1970, ở khu 1) là một trong số ít những đội múa lân gạo cội của thị trấn, có thành viên đã gần 60 tuổi. Anh Chỉnh kế thừa vị trí đội trưởng đội múa lân từ bố là ông Nguyễn Đức Khải (sinh năm 1937). Trước kia, ông Khải là đội trưởng một đội múa lân lớn của thị trấn Cẩm Giàng.

Không ai biết tục múa lân ở đây bắt đầu từ khi nào, chỉ biết từ lúc ông Khải còn nhỏ đã thấy các đội múa lân của thị trấn duy trì phong tục này hằng năm mỗi dịp Trung thu. Cứ vào đầu tháng tám âm lịch, các đội lại tụ họp để phân công công việc, người đi lấy tre, nứa, người mua sơn, người chuẩn bị giấy bồi... "Trước kia, các cụ không làm đầu lân mà làm đầu sư tử bằng tre nứa, giấy bồi, vải màn. Tạo hình sư tử phải có cá, có lươn, tức là mắt và bờm sư tử phải tạo thành 2 con cá đối xứng, 2 bên hàm sư tử phải uốn lượn như 2 con lươn, trên đầu có sừng. Màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng, xanh, trắng từ sơn ta", anh Chỉnh nhớ lại.

Hàng chục năm trước, rất nhiều người dân ở thị trấn Cẩm Giàng biết tự làm đầu sư tử. Mùa Trung thu đến, ai cũng tự làm vài chiếc cho con cháu. Các đội múa sư tử trong dịp này cũng đua nhau làm đầu sư tử xem đội nào làm đẹp nhất. Sau này do thị hiếu của người dân dần thay đổi nên các đội múa dần chuyển sang làm đầu lân với mẫu mã tương tự như trong phim ảnh với đôi mắt to bên trong gắn đèn, trên mắt, miệng có gắn lông, khung làm bằng mây vì mây nhẹ hơn tre, nứa. Trước kia anh Chỉnh và các thành viên của đội phải dùng bông y tế hoặc chăn bông cũ cắt ra để làm viền lông trên mắt và miệng lân.

Những năm gần đây, điều kiện kinh tế khá hơn nên việc tự làm đầu lân đã đơn giản hơn trước nhiều. Trước Trung thu hơn 1 tháng, anh Chỉnh và các thành viên trong đội tụ họp lại đi lấy mây mọc hoang ở khu vực gần nhà mang về đan thành khung sườn các bộ phận của đầu lân như đầu, mắt, mũi, miệng... Bên ngoài khung là lớp vải màn, ngoài cùng dán giấy bồi, mắt và miệng trang trí bằng các dải lông nhân tạo, đuôi lân do hiệu may thực hiện. Cuối cùng là bước vẽ mắt, vân, vảy, lưỡi cho lân sao cho sắc nét, thể hiện được thần thái của con vật.

Thị hiếu thay đổi nên những chiếc đầu sư tử cũ đến nay chỉ còn lại vài chiếc trong nhà của những người từng múa sư tử trước kia. Bạn Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 2001), một thành viên trong đội múa lân của anh Chỉnh làm đội trưởng cho biết: "Trong phòng thờ nhà em đến nay vẫn còn 3 chiếc đầu sư tử do các ông, các cụ trong đội múa ngày xưa làm. Dù không còn giá trị sử dụng nhưng những chiếc đầu sư tử này vẫn được gia đình em lưu giữ như kỷ vật về Trung thu thời còn khó khăn, thiếu thốn".


Anh Chỉnh sửa lại đầu lân trước giờ diễn

Gìn giữ tục treo giải

Dù nhiều nơi đã mai một nhưng tục treo giải ở thị trấn Cẩm Giàng vẫn được nhiều gia đình giữ gìn. Truyền thuyết nói rằng ông Địa (hóa thân của Đức Phật Di Lặc) thu phục con quái vật từ biển đến phá hoại làng xóm, trả lại bình yên cho nhân dân. Vì vậy mỗi năm ông Địa đều dẫn con quái vật trước kia đi chúc Tết xóm làng. Hộ nào được ông Địa đến thăm sẽ có phúc nên người ta thường treo giải là tiền thưởng ở trên cao để lân trèo lên lấy. Từ sự tích này, nhiều địa phương trong tỉnh đã duy trì phong tục treo giải trên các cây cao ở trước nhà.

Ông Vương Đức Mạc (sinh năm 1962) cho biết: “Hàng chục năm trước, nhiều hộ dân thị trấn Cẩm Giàng treo giải trên các cây ở trước nhà để lân trèo lên lấy. Đến nay phong tục này ít dần, nhưng vẫn xuất hiện lác đác". Nhiều đội múa lân ở đây còn nghĩ ra cách kiệu con lân lên cao để lấy giải làm nhiều người thích thú.

Các buổi biểu diễn múa lân tại thị trấn Cẩm Giàng thu hút đông đảo nhân dân địa phương và cả người dân các xã lân cận đến xem. Bên cạnh tiêu điểm là đầu lân, nhân vật khiến nhiều trẻ em thích thú là Tôn Ngộ Không. Đóng vai nhân vật nổi tiếng này từ cách đây hàng chục năm, ông Mạc là “Tôn Ngộ Không” cao tuổi nhất ở thị trấn Cẩm Giàng. Những động tác như gãi đầu, gãi tai, đùa giỡn với lân, với người đi đường và các cháu nhỏ được ông Mạc thực hiện nhuần nhuyễn, mang đến nhiều tiếng cười cho các em nhỏ.

Vào dịp Trung thu mỗi năm, hàng chục đội múa lân lớn nhỏ do nhiều tầng lớp, lứa tuổi từ các bậc cha chú như đội của anh Chỉnh đến các cháu học sinh tiểu học, THCS ở thị trấn Cẩm Giàng cùng biểu diễn múa lân để vui Trung thu. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng khu dân cư số 2 nhận xét: “Trung thu năm nào cũng vậy, các tuyến đường chính của thị trấn như Độc Lập, Thanh Niên, Vinh Quang, Thạch Lam, Chiến Thắng đều đông đúc do các màn múa lân hấp dẫn của các đội trong thị trấn. Trung thu đã trở thành ngày vui chung của tất cả mọi nhà ở đây”.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nét đẹp Trung thu truyền thống ở thị trấn Cẩm Giàng