Ngày 4.8, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tái khẳng định mục tiêu của liên minh này trong cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Hãng tin RT dẫn lời Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một trong những mục tiêu chính của NATO trong cuộc xung đột ở Ukraine là ngăn chặn “một cuộc chiến tranh toàn diện” với Nga.
Phát biểu khi đang có chuyến thăm Na Uy, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ: “Trong cuộc xung đột này, NATO có hai nhiệm vụ: ủng hộ Ukraine và ngăn chặn cuộc chiến này leo thang thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga”.
Ông Stoltenberg miêu tả cuộc xung đột Nga – Ukraine là “tình huống nguy hiểm nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2”, đồng thời nhấn mạnh việc không để Moskva giành chiến thắng trong cuộc xung đột này. Ông nói: “Nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine, Điện Kremlin sẽ tin rằng vũ lực có hiệu quả và các nước láng giềng khác có thể là trường hợp tiếp theo”.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/4 tới nay, Ukraine đã đều đặn nhận viện trợ quân sự từ các nước thành viên NATO, với hàng tỷ USD vũ khí được chuyển cho chính quyền Kiev.
Moskva kịch liệt lên án hành động này, cho rằng điều đó chỉ khiến leo thang và kéo dài cuộc xung đột. Nga đồng thời tuyên bố các chuyến hàng vũ khí viện trợ của phương Tây trên lãnh thổ Ukraine là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga.
Hồi tháng 7, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RT, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng việc phương Tây “bơm” vũ khí cho Ukraine sẽ khiến Kiev “sử dụng những vũ khí này theo hướng rủi ro nhiều hơn và không có được bất kỳ bước đi mang tính xây dựng này”.
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg khẳng định Tổng thống Nga Vladimir Putin rốt cuộc đã không đạt được các mục đích đề ra khi phát động chiến dịch ở Ukraine. NATO thay vì giảm qui mô hiện diện tại Đông Âu và giảm tốc quá trình mở rộng, liên minh này đang ngày càng “mạnh mẽ và đoàn kết hơn”, biểu hiện là việc sắp kết nạp thêm hai thành viên mới Thụy Điển và Phần Lan.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh việc tăng cường phòng thủ rìa phía đông của liên minh là cần thiết, trong bối cảnh NATO đã triển khai các nỗ lực nhằm ngăn chặn chiến thắng của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, quan chức này cũng tuyên bố NATo “không là một bên tham chiến trong cuộc xung đột” và sẽ không điều động binh sĩ tới Ukraine; liên minh này không có nghĩa vụ can thiệp vào cuộc xung đột do Ukraine không phải là một quốc gia thành viên.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid (Tây Ban Nha) cuối tháng 6, liên minh này cũng thông qua khái niệm chiến lược mới và nhất trí mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập. Khái niệm chiến lược mới của NATO xác định các mối đe dọa và thách thức chính cho an ninh khu vực và vạch ra đường hướng giải quyết những thách thức đó. Khái niệm chiến lược được đưa ra nhằm định hướng chính sách của NATO trong những năm tới. Ngoài ra, NATO quyết định tăng lực lượng ở trạng thái sẵn sàng cao lên mức trên 300.000 quân.
Tổng Thư ký Stoltenberg trước đó cho biết “bản thiết kế quân sự mới” sẽ “nâng cấp mạnh mẽ” hệ thống phòng thủ phía đông của khối. Ông Stoltenberg cho biết một số nhóm tác chiến của NATO ở Đông Âu sẽ được tăng cường lên “cấp lữ đoàn”. Lực lượng phản ứng nhanh của NATO là sự kết hợp của các khí tài trên bộ, trên biển và trên không được thiết kế để triển khai nhanh chóng trong trường hợp bị tấn công.
Nội dung tuyên bố chung của NATO nhấn mạnh việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên giúp "NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương ổn định hơn". Liên minh quân sự này cũng dự định tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Bắc Âu, tổ chức thêm các cuộc tập trận quân sự và tuần tra hải quân trên biển Baltic để đảm bảo an ninh cho hai nước này.
Theo Báo Tin tức