Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét bãi bỏ một số loại thuế áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và có khả năng tạm dừng áp thuế khí đốt trong bối cảnh lạm phát và giá xăng tăng cao.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, một số loại thuế được áp đặt từ thời Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc không phục vụ “mục đích chiến lược” nào và làm tăng chi phí của người tiêu dùng, do đó Tổng thống Joe Biden đang đánh giá lại các loại thuế này như một biện pháp nhằm giảm lạm phát.
Bộ trưởng Yellen đưa ra phát biểu trên khi trả lời phỏng vấn của hãng tin ABC News. Bà cho biết Washington đang rà soát chính sách thế đối với Trung Quốc, song không nêu cụ thể loại thuế nào sẽ được điều chỉnh cũng như thời điểm đưa ra quyết định về vấn đề này.
Trước đó, Tổng thống Biden xác nhận ông đang cân nhắc loại bỏ một số loại thuế được áp đặt từ năm 2018 và 2019 dưới thời chính phủ tiền nhiệm đối đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD.
Ngoài ra, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho hay Tổng thống Biden đang cân nhắc tạm dừng áp thuế liên bang đối với khí đốt nhằm giám giá mặt hàng này.
Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden đang chật vật giải quyết tình trạng lạm phát và giá xăng cao chưa từng thấy ở nước Mỹ.
Tại Washington, trả lời phỏng vấn của truyền thông Mỹ ngày 19/6, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, cho rằng lạm phát của Mỹ đang giảm, song sẽ phải mất 2 năm để có thể trở lại mức mục tiêu 2% do FED đề ra. Bà Mester cũng nhận định mặc dù tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng sẽ không suy thoái, việc cần làm hiện nay là điều chỉnh để cán cân cung cầu trở nên cân bằng hơn.
Các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc nâng lãi suất qua đêm của FED, hiện ở mức 1,5%-1,75%, lên ít nhất 3,4% trong 6 tháng tới. Một năm trước đây, đa số ý kiến cho rằng cần duy trì mức lãi suất gần 0% cho đến năm 2023. FED ngày 17/6 nhấn mạnh cuộc chiến chống lạm phát của ngân hàng này là “vô điều kiện”.
Theo TTXVN