“Cuộc chiến” trừng phạt của Mỹ với Iran chắc còn kéo dài, đây thực sự là thử thách lớn đối với Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015, Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế với không chỉ Iran mà còn với bất kỳ quốc gia nào “dám” bỏ qua Mỹ để tiếp tục có mối quan hệ kinh tế với Teheran. Bắt đầu từ ngày 5.11 vừa qua, Mỹ tiếp tục thực thi chế tài trừng phạt Iran về dầu mỏ, nguồn thu chính của kinh tế nước này. Liệu Iran có trụ được trước các đòn trừng phạt của Mỹ.
Mong muốn của Mỹ
Thực tế diễn ra khi ông Donald Trump Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký giữa Iran với Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Đức hồi năm 2015 dưới thời Tổng thống Obama, ông Trump gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay” mà Mỹ đã ký và ông muốn thay đổi thỏa thuận này. Giới phân tích cho rằng ông Trump muốn thay đổi thỏa thuận với 3 lý do sau:
Thứ nhất, ông Trump và đội ngũ tham mưu muốn loại bỏ những điều khoản hết hạn trong khoảng 10-15 năm và không cấm Iran phát triển hạt nhân.
Thứ hai, điều này là quan trọng nhất với chính quyền của ông Trump hiện nay, đó là Mỹ muốn áp đặt giới hạn với hoạt động phát triển tên lửa của Iran, điều không được đề cập đến trong thỏa thuận cũ.
Thứ ba, ông Trump và đội ngũ tham mưu muốn thỏa thuận phải kiềm chế chính sách của Iran trong khu vực, đặc biệt là chính sách hậu thuẫn đối với Hezbollah.
Từ 3 lý do trên, chính quyền Mỹ thực thi chính sách gây sức ép tối đa không chỉ với Iran mà cả với các thành viên tham gia ký kết thỏa thuận cũng như các đồng minh và khoảng 3 tháng sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận, ngày 7.8 Mỹ áp dụng gói trừng phạt đầu tiên được gọi là chiến dịch “gây sức ép tối đa” chủ yếu dưới hình thức chiến tranh tài chính, đồng thời nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Iran và cấm Iran sử dụng đồng USD của Mỹ.
Từ sau ngày 7.8 đến nay, một điều dễ nhận thấy đó là không chỉ trừng phạt về tài chính mà Mỹ còn cùng các đồng minh trong khu vực Trung Đông có những động thái “vây ép” Iran, cụ thể ở phía tây Mỹ hiện diệnbất hợp pháp tại Syria không chỉ để hỗ trợ lực lượng người Kurd mà còn nhắc nhở Iran không nên can dự vào vấn đề Iraq. Còn Israel tấn công lực lượng Hezbollah thân Iran cùng các căn cứ của Iran trên đất Syria. Mặt khác, Mỹ phối hợp chặt chẽ với Saudi Arabia nhằm làm suy yếu Iran trên các mặt trận tại khu vực Trung Đông.
Những chế tài trừng phạt Iran đang thực hiện từ hôm 7.8 và nhất là từ ngày 5.11 trở đi chắc chắn sẽ gây ra những xáo động trên thị trường dầu mỏ thế giới, đó là những gì mà thị trường dầu mỏ thế giới đã cảm nhận được. Còn sâu xa đằng sau những chế tài cụ thể của Mỹ với Iran là mục tiêu làm suy yếu tam giác Á – Âu là Nga – Thổ Nhĩ Kỳ - Iran, nhân tố quyết định cho sự ổn định tại Syria. Mỹ phối hợp với hai đồng minh là Israel và Saudi Arabia tạo thành một mặt trận chung giữa một bên là chiến lược “gây sức ép tối đa” của Mỹ với mặt trận “gây căng thẳng” nhắm vào Iran. Sự phối hợp ăn ý giữa bộ ba Mỹ - Israel - Saudi Arabia chắc chắn sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Iran, nhưng Iran có chịu khuất phục hay không lại là câu chuyện khác.
Iran không khuất phục
Trước áp lực “gây sức ép tối đa” cũng như “gây căng thẳng” của Mỹ và các đồng minh Israel, Saudi Arabia, Iran vẫn không lay chuyển mà vẫn có những hành động kiên quyết để thực thi các chính sách quyết đoán của mình trong khu vực. Ngày 1.10, các lực lượng Iran đã bắn 6 quả tên lửa vào các vị trí của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía đông Syria, đáng chú ý những quả tên lửa này rơi vào các vị trí của IS chỉ cách nơi quân Mỹ đứng chân khoảng 5km. Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố, vụ tấn công này nhằm trả đũa cho vụ xả súng hôm 22.9 tại lễ duyệt binh ở Ahvaz phía tây Iran làm 25 người thiệt mạng. Vụ tấn công nhằm gửi đi một thông điệp không chỉ cho các nhóm phiến quân hồi giáo mà cho cả nhóm đồng minh Israel, Saudi Arabia do Mỹ đứng đầu rằng Iran sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại với Mỹ, bất chấp việc Mỹ thực hiện vòng 2 của chiến lược “gây sức ép tối đa” ngăn cấm việc xuất khẩu dầu thô của Iran kể từ ngày 5.11 trở đi, đồng thời trừng phạt 700 thực thể và cá nhân của Iran.
Trừng phạt khiến đồng tiền mất giá, hàng tiêu dùng khan hiếm, tưởng rằng người dân Iran sẽ nổi dậy chống chính phủ, nhưng nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ đã nổ ra. Một vấn đề rất quan trọng mà Mỹ và đồng minh khu vực muốn là chính quyền Iran rơi vào hỗn loạn hoặc sụp đổ. Trước sức ép của Mỹ, đặc biệt là những chỉ trích nặng nề của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Liên Hợp Quốc, nhưng Iran, một bên tham gia ký thỏa thuận, đã có những tuyên bố mà cộng đồng thế giới dễ dàng chia sẻ. Đó là việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu rằng nước ông (Iran) không muốn chiến tranh với Mỹ, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng nước Mỹ “sớm hay muộn” cũng sẽ lại ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ông Rouhani nói rõ hơn rằng “chúng tôi không muốn chiến tranh với Mỹ ở bất kể nơi nào trong khu vực, chúng tôi không muốn tấn công họ. Chúng tôi cũng không muốn gia tăng căng thẳng. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị nước Mỹ tuân thủ luật pháp và tôn trọng chủ quyền của các nước. Mỹ cần phải nghĩ lại về sự hiện diện của họ trong khu vực, tại vịnh Ba Tư, biển Oman, Iraq và những nơi khác”. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đến thời điểm này Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Chính vì vậy ông Rouhani nói “chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này”, nhưng nói thêm khi mối quan hệ với Mỹ ngày càng căng thẳng “nếu tình hình thay đổi, chúng tôi sẽ phải chọn những con đường và giải pháp khác và chúng tôi sẽ bắt tay vào thực hiện chúng”.
Mỹ đang quyết tâm bắt Iran phải tuân thủ những yêu cầu của riêng mình, nhưng Iran và các thành viên còn lại của thỏa thuận hạt nhân kiên quyết phản đối việc làm của Mỹ. “Cuộc chiến” trừng phạt của Mỹ với Iran chắc còn kéo dài, đây thực sự là thử thách lớn đối với Iran.
HẢI NAM