Theo Lầu Năm Góc, gói cung cấp vũ khí cho Ba Lan bao gồm 48 bệ phóng tên lửa Patriot cùng 644 tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 MSE, đồng thời Mỹ cung cấp bom thông minh StormBreaker cho Na Uy.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ trong cuộc tập trận chung Mỹ-Israel tại căn cứ Hatzor ở Israel
Lầu Năm Góc ngày 28.6 xác nhận Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ tiềm năng trị giá 15 tỷ USD cung cấp Hệ thống chỉ huy chiến đấu phòng không và tên lửa tích hợp (IBCS) cùng các thiết bị có liên quan cho Ba Lan.
Hai nhà thầu chính trong thương vụ tiềm năng này bao gồm Raytheon Corp và Lockheed-Martin.
Theo Lầu Năm Góc, gói cung cấp vũ khí cho Ba Lan bao gồm 48 bệ phóng tên lửa Patriot cùng 644 tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 MSE, các thiết bị kết nối mạng lưới, cảm biến, thiết bị hỗ trợ, phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thông qua thương vụ tiềm năng trị giá khoảng 239 triệu USD cung cấp bom thông minh StormBreaker, trước đây được gọi là Bom đường kính nhỏ II (SDB II), và các thiết bị liên quan cho Na Uy.
Nhà thầu chính trong hợp đồng này là Raytheon Missile Systems.
Lầu Năm Góc cùng ngày đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về 2 thương vụ tiềm năng nêu trên.
Trước đó trong ngày 28.6, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak thông báo quốc gia Đông Âu đã tiếp nhận lô xe tăng Abrams tiên tiến đầu tiên do Mỹ sản xuất.
Lô hàng này là một phần của thương vụ trị giá 1,4 tỷ USD đặt mua 116 xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ được Chính phủ Ba Lan thông qua hồi tháng 1.2023.
Năm ngoái, Ba Lan đã đặt mua thêm 250 chiếc Abrams biến thể M1A2 hiện đại hơn, dự kiến sẽ được bàn giao vào cuối năm 2024.
Ba Lan - quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) - có kế hoạch chi 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2023.
Ba Lan đã ký nhiều thỏa thuận mua thiết bị quân sự, bao gồm các hợp đồng mua xe tăng K2 Black Panther và pháo tự hành K9 của Hàn Quốc./.
Theo TTXVN