2019 được xem là năm bội thu của giới mỹ thuật tỉnh Hải Dương bởi các họa sĩ đoạt được nhiều giải thưởng toàn quốc và nhiều họa sĩ đã dần sống được bằng nghề.
Khách xem tranh của hội viên Ban Mỹ thuật (Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương) ở Nhà Triển lãm tỉnh
Riêng mảng tranh cổ động đã có gần 20 giải tại các cuộc thi, triển lãm tranh toàn quốc. Riêng họa sĩ Hà Huy Chương đã đoạt 12 giải trong các cuộc thi về tranh cổ động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Trong cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền 65 năm ngày giải phóng Thủ đô, vượt qua hơn 200 họa sĩ đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước, ông đã đoạt giải nhất. Cũng trong cuộc thi này, họa sĩ Hà Thị Hương Thanh đoạt giải ba. Những họa sĩ trẻ như Hà Huy Trường, Phùng Anh Bản, Đinh Thị Thu Mai… lần lượt đoạt giải khuyến khích tại các cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Ở triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng lần thứ 24 được tổ chức tại Bắc Ninh vào tháng 8.2019, Hải Dương có 29 tác phẩm của 25 tác giả được chọn trưng bày. Trong đó, 3 tác phẩm được giới thiệu dự giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.
Mảng tranh hội họa cũng khởi sắc khi nhiều tác phẩm đã vươn ra ngoài lãnh thổ, đến được với bạn bè quốc tế. Đơn cử, tranh của họa sĩ Đỗ Đức Khải đã được chọn trưng bày trong triển lãm tranh nghệ thuật các nước châu Á và triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Nga. Họa sĩ Phạm Văn Trọng có tranh sơn dầu được chọn triển lãm ở Singapore và Italy. Những họa sĩ trẻ như Phạm Đình Tùng, Phùng Văn Tuệ, Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Quang Hoan, Vũ Văn Long… được các nhà đầu tư chọn triển lãm ở những địa điểm danh giá, bán được tranh và từng bước sống được bằng nghề.
Tỉnh ta cũng đang có một loạt tên tuổi họa sĩ trẻ không ngại thử sức với các thể loại khó ở thể loại tranh khắc gỗ, acrylic, gốm sành… như Hạ Bá Định, Phạm Khải Hồng, Nguyễn Trác Cường… Các họa sĩ này đều có tranh được chọn triển lãm cấp khu vực. Với điều kiện sinh hoạt chuyên môn như hiện nay thì những kết quả trên rất đáng ghi nhận.
Thực tế mỹ thuật Hải Dương đang có những tác giả có thể sánh vai với những tên tuổi lớn của giới mỹ thuật trong nước. Dòng tranh cổ động có họa sĩ Hà Huy Chương, dòng tranh sơn mài có họa sĩ Đỗ Đức Khải - một trong những thành viên của nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam. Hai dòng tranh này vốn kén người thưởng thức, lại kén cả người sáng tạo sản phẩm, thành thử để thành danh không dễ. Họa sĩ Đỗ Đức Khải còn là một trong những tên tuổi được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện trong lứa các họa sĩ trẻ biết gìn giữ, kế thừa và sáng tạo dòng tranh sơn mài trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay.
Một số họa sĩ Hải Dương đi thực tế để sáng tác ở Hà Giang
So với những năm trước, số lượng giải thưởng tại các cuộc thi tranh toàn quốc vượt trội, nhất là thể loại tranh cổ động. Theo họa sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng ban Mỹ thuật (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các hội viên. Đáng mừng hơn nữa là nhiều triển lãm hội nhóm, cá nhân được tổ chức, chứng tỏ các họa sĩ đã đáp ứng được tiêu chí của các nhà đầu tư để được chọn triển lãm và bán được tranh, thậm chí bán với giá cao. “Bán được tranh là điều mà những năm trước đây rất ít họa sĩ làm được nhưng năm nay nhiều họa sĩ trẻ đã bán được tranh với giá cao, chứng tỏ tranh của họ đã có chỗ đứng trong đời sống đương đại, đó là thành quả thiết thực nhất”, anh Quân nói.
Ban Mỹ thuật của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có 49 hội viên tham gia sinh hoạt chuyên môn. Đa phần các hội viên phải lấy nghề khác làm thu nhập chính để nuôi dưỡng đam mê nên việc toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghệ thuật còn ít. Đó cũng là một trong những lý do số họa sĩ tên tuổi thực sự nổi bật vẫn chưa nhiều. Hiểu được những khó khăn đó, những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức các trại sáng tác, các cuộc hội thảo chuyên môn để các họa sĩ, nhất là lớp họa sĩ trẻ có dịp cọ xát, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Từ các trại sáng tác này, chất lượng tác phẩm cũng được nâng lên. Khó khăn nhất hiện nay của giới họa sĩ tỉnh nhà là thiếu “sân chơi”. Trước đây mỗi năm tỉnh ta đều có các cuộc triển lãm mỹ thuật tỉnh Hải Dương nhưng mấy năm nay lại vắng bóng. Nhiều họa sĩ tiếc nuối sự vắng bóng này và hy vọng sớm được tổ chức trở lại để các tác phẩm có cơ hội được đến gần hơn với công chúng.
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương Trương Thị Thương Huyền cho biết năm 2020, hội đã có những kế hoạch dài hơi lựa chọn phẩm tham dự các triển lãm mỹ thuật lớn của khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó sẽ tạo điều kiện để các họa sĩ tổ chức triển lãm cá nhân. Hội sẽ đề xuất thực hiện nhiều hoạt động, tập trung bồi dưỡng những tài năng mỹ thuật trẻ thông qua các trại sáng tác, lớp đào tạo chuyên môn. Một nhiệm vụ được xem là trọng tâm của hội thời gian tới là đẩy mạnh mảng lý luận phê bình mỹ thuật để đội ngũ này bắt kịp và đồng hành với đội ngũ sáng tác. “Với điều kiện sinh hoạt chuyên môn còn hạn chế, chúng tôi rất mong các hội viên sẽ không ngừng nỗ lực, cống hiến để đóng góp vào sự phát triển không chỉ của văn học nghệ thuật tỉnh nhà, mà vì sự phát triển chung của nền mỹ thuật toàn quốc”, bà Huyền nói.
HUYỀN ANH