MTTQ Việt Nam đã trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự ngày hội Đại đoàn kết tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)
Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, MTTQ Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khi cách mạng chưa giành được chính quyền về tay nhân dân, theo yêu cầu của cách mạng, Mặt trận có lúc đã thực hiện chức năng của chính quyền trong vùng tạm chiếm hoặc vùng mới giải phóng. Ngay sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân, Mặt trận đã trở thành một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị nước ta. Mặt trận và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị nước ta tuy có vai trò, vị trí, chức năng và phương thức hoạt động khác nhau nhưng đều là công cụ thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân nhằm một mục đích chung là: Phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đây cũng chính là sự khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong đời sống chính trị, xã hội đất nước; là sự thừa nhận MTTQ Việt Nam là bộ phận không thể thiếu của hệ thống chính trị nước ta. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định tại Đại hội thành lập MTTQ Việt Nam ngày 10.9.1955: "Chúng ta có thể tin chắc rằng: với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, MTTQ sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh".
Trong suốt tiến trình phát triển của đất nước, từ khi Đảng thành lập, những dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc đều có dấu ấn lớn lao của tổ chức Mặt trận - một tổ chức được thành lập bởi sự sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày 18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh. Hội phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất ra đời đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp quần chúng, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.
Từ Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam cho đến Mặt trận Dân chủ Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam và đến nay là MTTQ Việt Nam… tất cả tạo nên một kinh nghiệm chính trị đã thành một trong những di sản đáng giá nhất của cách mạng Việt Nam. Điều cốt lõi, động lực của các hình thức Mặt trận ở Việt Nam có thể nói tóm gọn là tạo ra một không gian rộng lớn nhất cho chủ nghĩa yêu nước, đúng hơn là một chủ nghĩa dân tộc chân chính như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói từ năm 1924. Điều này đã được đúc kết trong một mệnh đề chính trị kết tinh ở khẩu hiệu lớn là Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Và chính vì thế, trong lịch sử hơn 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước hay 74 năm thành lập nước đều là những dấu son chói lọi trong lịch sử gần 90 năm truyền thống MTTQ Việt Nam đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gần 90 năm trôi qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người miền ngược, miền xuôi, người ở nước ngoài, người lao động cho đến người làm kinh doanh, các tầng lớp trí thức, nghiên cứu khoa học… tầng lớp nào cũng có đại diện trong mái nhà Mặt trận. Ngôi nhà ấy luôn ấm áp tình nghĩa đồng bào.
Tình nghĩa đồng bào sâu nặng lớn lao. Tình nghĩa ấy cũng chính là sức mạnh vô song và sức mạnh của đồng bào cũng chính là sức mạnh của Mặt trận.