Nhà thơ Trần Đăng Khoa có nhiều bài thơ hay viết về người lính. Với “Đỉnh núi” viết về những người lính canh phòng nơi biên ải, anh đã tạo ra một đỉnh cao mới trong thơ mình.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa có nhiều bài thơ hay viết về người lính. Với “Đỉnh núi” viết về những người lính canh phòng nơi biên ải, anh đã tạo ra một đỉnh cao mới trong thơ mình.
Đọc tên bài “Đỉnh núi” cứ ngỡ là miêu tả không gian địa lý nhưng trên đỉnh núi của tự nhiên đó xuất hiện hình ảnh con người hiên ngang, đầy khí phách: “Ta ngự giữa đỉnh trời/Canh một vùng biên ải”. Chữ “ngự” dùng trong văn cảnh này thật đắc địa. Một tư thế đàng hoàng chủ động đầy bản lĩnh của người lính, “ngự” không chỉ là động thái mà còn toát ra một phong thái. Vì thế mà: “Cho làn sương mong manh/Hóa tường thành vững chãi” đưa hình ảnh con người nhỏ bé đối trọng với cả đỉnh núi, làm chủ đỉnh núi chính là tường thành vững chãi bằng sức mạnh, tinh thần ý chí, bằng vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Đây là cách tung hứng đầy nghệ thuật vốn là thế mạnh của Trần Đăng Khoa. Cái hay của tứ thơ là nhà thơ đã vận dụng phép biến ảo hóa thân khá sinh động thổi vào thiên nhiên một sinh khí mới từ: “Bao nhiêu là núi non/Ríu rít ngoài cửa sổ”. Ở đây ta gặp lại sự trẻ trung, hiếu động của thi sĩ thần đồng một thời với những quan sát khá tinh tế: “Lán buộc vào hoàng hôn/Ráng vàng cùng đến ở”.
Một nốt trầm thoáng ưu tư chợt đến làm cho bài thơ chùng xuống như cánh võng mắc chung chiêng hai đầu núi. Chính cái nốt trầm này đã tạo ra những cung bậc có thật trong chiều sâu tâm trạng làm cho thơ gắn với đời hơn khi:“Biết bao chàng lính trẻ/Đã thành ông bố già”. Không chỉ bởi thời gian mà cả không gian nhuốm màu của chiều tà mông lung, của mùa đi thăm thẳm. Ống kính của nhà thơ đã bắt được cận cảnh đặc tả: “Áo lên màu mốc trắng/Tóc đầm đìa sương bay”. Một không khí bảng lảng chấm phá như bức tranh thủy mặc mà điểm nhấn trung tâm là người lính với những gian khó trên biên ải. Ở đây nhà thơ không chỉ tả đỉnh núi của thiên nhiên mà còn có một đỉnh núi chập chùng tâm trạng, tâm tư trong cõi lòng sâu thẳm của người lính mà chỉ có thi sĩ tinh tế mới nhận ra để đồng cảm sẻ chia: “Lời yêu không muốn ngỏ/Sợ lẫn vào gió mây”.
Khổ cuối bài thơ đã tạo ra một tình huống bất ngờ: “Em xòe ô thăm ta”. Tôi chợt nhớ đến một câu thơ tài hoa rất ấn tượng của nhà thơ Hữu Thỉnh “Vó ngựa nghe nhầm tiếng guốc em”. Thì ở đây Trần Đăng Khoa trẻ trung bất chợt: “Bàng hoàng xô tung cửa/Hóa ra vầng trăng xa” bởi trong khao khát mong chờ của những người lính trẻ bao giờ cũng thường trực đau đáu hình ảnh người con gái thân thương mình đang yêu đến nỗi vầng trăng mà cứ ngỡ vòng ô chung chiêng. Ta chú ý đến mấy lần nhà thơ tả sương: “Sương mong manh”, “đầm đìa sương” và nhiều gió mây như sự lồng lộng phóng khoáng của tâm hồn. Cứ ngỡ một màu trắng mỏng manh phủ lên đỉnh núi thì tứ thơ vận động sang một cung bậc cảm xúc khác là màu sáng rạng rỡ chảy tràn của ánh trăng - một vẻ đẹp lý tưởng tỏa sáng ngời ngời. Đây chính là đỉnh núi cao nhất trong muôn đỉnh núi. Từ ráng vàng của hoàng hôn đến vầng trăng xa không chỉ là sự chuyển dịch thời gian mà còn là sự ấm áp, tin cậy lan tỏa nâng dần lên thành chóp núi - đỉnh núi mang vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Đỉnh núi Ta ngự giữa đỉnh trời TRẦN ĐĂNG KHOA |