Nguyễn Mạnh Duy ở TP Hồ Chí Minh, hồi cuối tháng 9 trở thành người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh núi cao thứ 8 thế giới Manaslu.
"Tôi thốt lên, mình đã chạm vào giấc mơ rồi", Mạnh Duy kể khoảnh khắc đặt chân lên đỉnh Manaslu 8.163 m, vào 14 giờ 52 ngày 22/9.
Khi chứng nhận Mạnh Duy là người Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh núi cao thứ 8 thế giới Manaslu, Hiệp hội leo núi Nepal nhận định cột mốc này có ý nghĩa với Duy và cả hướng dẫn viên Temba Bhote khi hướng dẫn anh leo Manaslu không theo cách "xoay vòng" thông thường mà đi một mạch thẳng lên đỉnh.
Mạnh Duy bay từ TP Hồ Chí Minh đến Nepal hôm 10/9 để bắt đầu hành trình 10 ngày chinh phục Manaslu. Hướng dẫn viên Temba Bhote là nhà leo núi chuyên nghiệp có biệt danh "Himalayan Sherpa", từng 10 lần chinh phục đỉnh Everest và 6 lần với Manaslu.
Xuất phát từ hôm 13/9 ở Kathmandu, cả hai mất 4 ngày để đi đến Base Camp (Trại căn cứ). Trại là điểm tập trung của các đoàn leo núi, nơi khách làm quen với độ cao và "lấy đà" cho các chặng cao hơn. Lúc Duy đến, Base Camp cógần 400 người leo núi từ khắp nơi trên thế giới. Sau hai ngày nghỉ ngơi, họ bắt đầu di chuyển lần lượt qua 4 camp 1, 2, 3 và 4 ở độ cao lần lượt 5.800 m, 6.200 m, 6.800 m và 7.400 m.
"Base Camp ở độ cao 5.000 m không khó lắm nhưng các camp càng lên cao càng thử thách", Duy nói.
Manaslu còn được biết đến là "ngọn núi tử thần" bởi thường xuyên xảy ra lở tuyết, với những mỏm núi sắc nhọn, sườn dốc nguy hiểm quanh năm bao phủ bởi băng tuyết. Hiệp hội leo núi Nepal nhận xét đây là một trong những đỉnh núi thử thách nhất trên thế giới. Dù vậy, Manaslu vẫn có sức hút với những nhà thám hiểm. Tháng 9 và 10 là mùa leo Manaslu, đỉnhquy tụ số lượng người leo đông thứ hai ở Nepal, sau Everest.
Du khách Việt cho biết chi phí leo đỉnh Manaslu từ 10.000 đến 12.000 USD tùy theo dịch vụ khách lựa chọn. Thông thường, khách leo sẽ cần cả mountain guide (hướng dẫn leo núi), porter (trợ lý khuân vác) và bình oxy khi ở độ cao từ 7.000 m trở lên. Những dịch vụ khách đặt sẽquyết định gói chi phí.
Mạnh Duy bắt đầu trekking hơn 10 năm trước. Anh từng cùng bạn bè khám phá một phần dãy Himalaya xung quanh cao nguyên Tây Tạng như đỉnh Merapeak (6.500 m) và Ama Dablam (6.812 m). Cảnh sắc, văn hóa Tây Tạng và dãy Himalayahùng vĩ luôn ẩn chứa sức hút "đến kì lạ", thôi thúc anh chinh phục những đỉnh cao hơn.
Với những ngọn núi cao trên 8.000 m, đoàn leo núi phải thực hiện một việc "rất nhàm chán" đó là leo xoay vòng. Từ Base Camp, nhà leo núi phải di chuyển lên camp 1 hoặc camp 2 rồi trở lại, có người lên tới camp 4 rồi vẫn quay lại, để cơ thể thích nghi với độ cao trước khi đi vào "ngưỡng chết" - trên 8.000 m. Giai đoạn này mất từ 7 đến 10 ngày.
Từng nhiều lần leo dãy Himalaya, Temba Bhote đề xuất với Duy một kế hoạch khá mạo hiểm, đó là "sumit" - lên đỉnh mà không trải qua xoay vòng, đi thẳng từ trại cơ sở lên đỉnh núi.
Duy miêu tả đây là thử thách "cực đại" vì anh bị vắt kiệt sức, nhiều lần muốn bỏ cuộc, ngay cả khi đã leo đến gần đỉnh. Trưa 22/9, khi còn khoảng 50 m cuối cùng và anh đã nhìn thấy đỉnh, ý định bỏ cuộc vẫn xuất hiện.
"Lết từng chút một với bộ đồ leo núi nặng trĩu, mất khoảng hơn 40 phút để vượt qua chặng ấy", Duy nói.
Ngoài ra, mưa tuyết trên đỉnh "ngập tới bắp đùi" cũng là một thử thách bào mòn sức khi anh đã leo liên tục suốt 24 giờ.
Nhưng qua "đoạn đường khổ nạn", mọi mệt mỏi nhanh chóng tan biến khi anh chạm tay vào chóp nhọn với lá cờ Nepal trên đỉnh núi. Trong cảm giác thỏa mãn vì chiến thắng bản thân, Duy không quên thu vào tầm mắt khung cảnh "rực rỡ như thiên đường" trên đỉnh với những đám mây vàng óng phản quang từ ánh sáng Mặt Trời.
"Chỉ có lên cao chúng ta mới có thể thu vẻ đẹp ấy vào tầm mắt", Duy nói.
Đứng trên đỉnh Manaslu, anh Duy và bạn đồng hành có 5 phút chiêm ngưỡng dãy Himalaya hùng vĩ phủ tuyết trắng. Họ cùng nhau chụp vài bức ảnh kỷ niệm ở độ cao 8.163 m và xuống núi để đảm bảo an toàn.
"Đây là chuyến tập dượt cho hành trình chinh phục Everest vào năm sau", nhà leo núi Việt chia sẻ.
T.H (theo VnExpress)