Một số khái niệm cơ bản về công tác phòng chống tiêu cực

24/08/2022 09:39

Ngày 1.8.2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ban hành Hướng dẫn số 25 hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng chống tiêu cực. Báo Hải Dương giới thiệu một số nội dung cơ bản của hướng dẫn này.

Thế nào là tiêu cực?

Tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những hành vi trái với Điều lệ, Cương lĩnh, nghị quyết, quy chế, quy định, chỉ thị, kết luận,... của Đảng (gọi chung là chủ trương, đường lối, quy định của Đảng), pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất của tiêu cực là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.


Tranh minh họa


Vụ án, vụ việc tiêu cực

Theo Hướng dẫn 25, vụ án tiêu cực là vụ án hình sự (ngoài vụ án tham nhũng) do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện, liên quan đến hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu tại phần III của hướng dẫn.

Tương tự, vụ việc tiêu cực là vụ việc do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện (ngoài vụ việc tham nhũng), liên quan đến các hành vi tiêu cực nêu tại phần III của hướng dẫn, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền. 

Vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm là vụ án, vụ việc tiêu cực ngoài tham nhũng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

- Có liên quan đến nhiều địa phương, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

- Báo chí, truyền thông đưa tin, phản ánh nhiều, gây bức xúc trong dư luận xã hội; đại biểu Quốc hội, HĐND, cử tri quan tâm, phản ánh; MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội kiến nghị xử lý.

- Bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá.

Đối tượng phòng chống tiêu cực

Đối tượng phòng chống tiêu cực là cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

T.H (tổng hợp)

(0) Bình luận
Một số khái niệm cơ bản về công tác phòng chống tiêu cực