Văn nghệ quần chúng ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) không chỉ là món ăn tinh thần của người dân địa phương, đây còn là kênh tuyên truyền hiệu quả...
Vở diễn “Tự cứu lấy mình” của xã Nhân Quyền giành giải nhất tại Hội diễn sân khấu không chuyên huyện Bình Giang năm 2018
Tại Hội diễn sân khấu không chuyên năm 2018 của huyện Bình Giang tổ chức ngày 12.8 vừa qua, khi vở diễn “Tự cứu lấy mình” của đội văn nghệ xã Nhân Quyền vừa khép lại, hội trường không ngớt những tràng pháo tay. Một lần nữa Nhân Quyền giành giải cao nhất tại hội diễn.
Từ lâu, Nhân Quyền đã trở thành cái tên quen thuộc đại diện của huyện Bình Giang tham gia tranh tài tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, Nhân Quyền giành huy chương vàng tại sân khấu các làng chèo toàn quốc tổ chức ở Nam Định.
Truyền thống văn hóa văn nghệ từ lâu đời cộng với sự quan tâm, khuyến khích của chính quyền địa phương đã khiến phong trào văn nghệ quần chúng ở Nhân Quyền ngày càng phát triển, khẳng định được tên tuổi của xã trong những hội diễn, hội thi lớn.
Hiện cả 4 thôn Đan Loan, Hoà Loan, Dương Xá, Bùi Xá của xã đều có các đội văn nghệ, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ hoạt động trong các tổ chức hội phụ nữ, người cao tuổi. Nhân Quyền đã xây dựng và phát triển được đội văn nghệ của xã từ gần 40 năm nay. Hiện tại, đội văn nghệ của xã có hơn 20 diễn viên, nhạc công. Người trẻ nhất gần 30 tuổi, người già nhất đã ngoài 80 tuổi. Đội nhạc có thể chơi tất cả các loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, nhị, đàn nguyệt, sáo…
Chị Bùi Thị Lan ở thôn Hòa Loan đã tham gia đội văn nghệ của xã hơn 10 năm nay. Chị có thể vừa múa, vừa hát, vừa đóng kịch. Chị Lan thích hát chèo và có thể hát các làn điệu của bộ môn nghệ thuật này. Vừa làm việc nông vừa nấu rượu, chị Lan sắp xếp thời gian làm việc nhà và tập luyện cùng đội văn nghệ.
Thông thường, việc tập luyện chỉ tập trung trước những ngày tham gia biểu diễn khoảng 1 tháng hoặc 1 tuần tùy vào các tiết mục. Chị và các thành viên trong đội văn nghệ chủ yếu tập luyện vào các buổi tối... Mỗi khi đứng trên sân khấu được khán giả cổ vũ nhiệt tình, chị Lan rất vui. Sự ủng hộ của mọi người giúp chị quên đi căng thẳng, hồi hộp, hoàn thành tốt các phần biểu diễn.
Anh Nguyễn Văn Lợi, cán bộ văn hóa xã Nhân Quyền chia sẻ từ khi anh sinh ra đã được nghe những làn điệu chèo do những người xung quanh hát. Tình yêu đối với bộ môn nghệ thuật này ngấm vào anh như lẽ tự nhiên. Người dân quê anh ai cũng thích nghe hát chèo. Vì thế, trong các chương trình văn nghệ của địa phương, các tiết mục chèo chiếm phần lớn. Theo anh Lợi, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng vừa là món ăn tinh thần, vừa khơi dậy, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của quê hương.
Thành viên của đội văn nghệ xã Nhân Quyền luyện tập trước khi đi biểu diễn
Qua từng tiết mục, từng phần biểu diễn, khán giả có thể cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc gửi gắm vào tác phẩm. Đó là tình yêu quê hương đất nước, là công ơn của đấng sinh thành, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo… Hay những thông điệp như “Chung tay bảo vệ môi trường”, “Nói không với thuốc lá”… được sân khấu hóa trở nên dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ đi vào lòng người. Đây thực sự là một kênh tuyên truyền, giáo dục hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền, văn hóa, văn nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân, tác động đến sự phát triển toàn diện của địa phương. “Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng… địa phương luôn quan tâm phát triển phong trào văn hóa văn nghệ”, ông Trực nói.
Từ những năm 2001-2003, địa phương đã đầu tư kinh phí mở lớp dạy chèo để phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu của quê hương. Xã đầu tư sân khấu cơ động để phục vụ biểu diễn, hỗ trợ kinh phí tập luyện cho đội văn nghệ tham gia biểu diễn. Mỗi khi người của địa phương tham gia biểu diễn tại các giải của tỉnh, của huyện, xã đều thông báo rộng rãi để có đông người dân địa phương tới cổ vũ, động viên tinh thần cho các diễn viên. Xã kịp thời khen thưởng, động viên diễn viên tham gia biểu diễn đạt thành tích cao để khuyến khích phong trào.
HÀ NGA