Những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.
Năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều dấu ấn trong bức tranh đối ngoại của Việt Nam. Tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam có nhiều hoạt động ghi dấu rõ nét, trong đó nổi bật là những đóng góp và sáng kiến trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại cả 3 khóa họp thường kỳ lần thứ 52, 53 và 54.
Trong năm qua, trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam đã có 6 sáng kiến nổi bật tại cả 3 Khóa họp thường kỳ của Hội đồng Nhân quyền, nhận được sự tham gia ủng hộ, đồng bảo trợ của đông đảo các nước, tổ chức quốc tế.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva cho biết năm 2023 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, là nhiệm kỳ lần thứ hai sau nhiệm kỳ lần thứ nhất giai đoạn 2014-2016.
Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động, cạnh tranh nước lớn phức tạp, vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người tiếp tục thu hút sự quan tâm, ưu tiên của các nước, tổ chức quốc tế, trong khi còn có những quan điểm khác biệt, công tác của Hội đồng Nhân quyền gia tăng cả về khối lượng, thời gian họp cũng như các vấn đề thảo luận.
Trong bối cảnh đó, triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương,” Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực, có trách nhiệm trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, nỗ lực cùng các nước thúc đẩy đối thoại, hợp tác, nâng cao hiểu biết lẫn nhau, xây dựng đồng thuận trong thảo luận và thông qua các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền.
Trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền, Phái đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực trong Nhóm 3 nước (Troika) hỗ trợ việc xem xét báo cáo quốc gia của một số nước tại Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR).
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đánh giá điểm nổi bật là Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác về quyền con người tại cả 3 khóa họp thường kỳ năm nay, với sự tham gia ủng hộ, đồng bảo trợ của đông đảo đại diện các nước, tổ chức quốc tế. Những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao.
Đặc biệt, tại Khóa họp thứ 52, Nghị quyết Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận, với 121 nước đồng bảo trợ. Nghị quyết này là dấu ấn quan trọng của Hội đồng Nhân quyền, tạo cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm của Hội đồng Nhân quyền xuyên suốt trong năm 2023 ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, với điểm nhấn cuối năm là Sự kiện cấp cao kỷ niệm hai văn kiện quan trọng từ ngày 10-12/12/2023.
Bên cạnh đó, tại Khóa họp 53 hồi giữa năm nay, Việt Nam đã cùng Nhóm nòng cốt (gồm có Việt Nam, Philippines và Bangladesh) soạn thảo và thương lượng Nghị quyết hằng năm về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sinh kế và ảnh hưởng của những tác động này đối với quyền con người.”
Đây là nghị quyết có tính thời sự cao, đã được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận với 80 nước đồng bảo trợ. Cùng với đó, Việt Nam cùng nhóm nòng cốt đồng tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về biến đổi khí hậu và quyền con người với chủ đề “Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với việc hiện thực hóa đầy đủ quyền lương thực.”
Cũng tại khóa họp 53, thực hiện các ưu tiên đề ra từ khi vận động ứng cử Hội đồng Nhân quyền, bên cạnh phát biểu thảo luận thúc đẩy quyền lao động, Phái đoàn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm quốc tế về “Chống phân biệt đối xử, bạo lực và quấy rối trên cơ sở giới tại nơi làm việc” với sự đồng bảo trợ của các phái đoàn Mỹ, Argentina, và sự tham gia, phát biểu của đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam.
Ngoài ra, tại Khóa họp 54 Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam triển khai 2 sáng kiến thúc đẩy quyền con người được tiêm chủng, bao gồm Phát biểu chung và tọa đàm quốc tế về “Thúc đẩy Quyền con người được tiêm chủng,” được đồng tổ chức bởi hai Phái đoàn Việt Nam và Brazil cùng với Gavi-Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng, có sự tham dự và phát biểu của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Phát biểu chung và cuộc tọa đàm nhấn mạnh mối liên hệ và tác động quan trọng giữa tiêm chủng và quyền sức khỏe, tầm quan trọng của tiêm chủng, kêu gọi các nỗ lực đa phương nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực đảm bảo tiếp cận vaccine công bằng, giá thành hợp lý và kịp thời, cũng như việc thúc đẩy quyền được tiêm chủng, thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng để bảo đảm sức khỏe ở mức độ cao nhất có thể.
Theo Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, bên cạnh hàng loạt phát biểu quốc gia, phát biểu chung ASEAN và các nhóm đồng quan điểm, cũng như tham vấn mang tính xây dựng, những hoạt động cụ thể nêu trên nằm trong chuỗi các sáng kiến và đóng góp thiết thực của Việt Nam với tư cách thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, góp phần giới thiệu những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo đảm quyền con người, đồng thời đóng góp tích cực vào công việc của HĐNQ trong những vấn đề thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đánh giá, thành công và dấu ấn của Việt Nam trong tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, nhất là triển khai các sáng kiến này quan trọng là nhờ sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành trong nước, sự điều phối của Bộ Ngoại giao và việc triển khai trực tiếp của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva.
Về kế hoạch các hoạt động sắp tới, Đại sứ Lê Tuyết Mai cho biết thêm trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, cương vị thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền.
Phái đoàn tại Geneva sẽ tiếp tục tích cực tham gia các Khóa họp định kỳ của Hội đồng Nhân quyền, chú trọng triển khai một số sáng kiến hợp tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, trong đó sẽ chủ trì xây dựng và thương lượng dự thảo Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại khóa họp tháng 6/2024.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ nộp và bảo vệ Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (tham gia UPR chu kỳ IV). Phái đoàn cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò là thành viên Nhóm 3 nước hỗ trợ việc xem xét Báo cáo quốc gia của một số nước trong UPR chu kỳ IV.